Cây có thể cao quá đầu người, phần thân lúc còn non màu xanh nhạt, khi già cứng chuyển màu nâu. Lá cây bồ ngót hình bầu dục, mọc so le; sắc lá màu lục thẫm. Khi sử dụng, thường chọn cành lá non.
Cây bồ ngót, trồng thành vườn
Lá rau non vò nát rồi chặt trái dừa tươi đổ vào làm nước uống. Nước bồ ngót vừa ngọt, vừa mát có mùi hăng tương tự như măng tây. Phổ biến nhất là người ta dùng rau ngót để nấu canh.
Sau những buổi lao động mệt nhọc ngoài ruồng về, người ta thường ghé tạt vô vườn hái nắm lá bồ ngót đem về chuẩn bị cho bữa cơm. Rau ngót được tuốt lấy lá và đọt non, bỏ cọng già, cứng.
Tép trấu (có nơi còn gọi là tép mồng) ra đồng chạy cù (tức chọn những đám năng, láy mọc từng chòm ở các đìa, ao, dùng chân vừa chạy vừa dậm chung quanh cho tép, các bãi trầu hũn hĩn gom lại rồi dùng xà nel hay rổ xúc, nhanh tay xúc lấy).
Tép mang về lựa, rửa sạch, để ráo nước rồi bằm nhuyễn, nêm ít nước mắm, bột ngọt, tiêu, hành lá cho vừa ăn. Sang hơn thì đặt nò dưới sông nơi có dòng nước chảy mạnh kiếm được mớ tép bạc. Tép bạc có thể bằm nhuyễn, cũng có thể để nguyên con, chỉ ngắt bỏ phần đầu của nó mà thôi.
Bắc nồi nước sôi, thả tép vào khuấy đều, cho bồ ngót đã rửa sạch vào ngay, trộn sơ, nêm thêm ít muối, bọt ngọt và nhắc xuống. Nhiều khi người ta chỉ nấu canh chỉ thuần một thứ bồ ngót, cũng có khi nấu chung với mấy loại rau khác như huyết bò, mỏ quạ,… Nếu nấu với cả khoai lang thì khoai gọt sạch, chặt miếng nhỏ và nấu trước cho mềm rồi mới cho tép và rau vào sau.
Canh rau ngót
Nồi canh rau bồ ngót ăn nóng với cơm, cá hũn hĩn, bãi chầu kho quẹt vừa ngon miệng, mồ hôi lại vã ra như tắm, nên bao nhiêu mệt mỏi gần như tan biến.
Không cao sang, không cầu kỳ, chỉ là món canh dân dã nơi đồng quê, nhưng ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngọt, thanh mát của nó.
Đói lòng nhờ chén canh rauChén cơm, hạt muối dạt dào tình quê
Ngoài chức năng giải nhiệt, giải cảm, rau ngót còn cung cấp nhiều chất bổ quan trọng cho cơ thể. Hơn thế, theo kinh nghiệm, dân gian còn dùng rau ngót được dùng để thanh nhiệt, hạ sốt, trị ho do phế nhiệt. Phụ nữ sau khi sinh nở cũng thường được cho uống lá bồ ngót đâm, hoặc thân cây bồ ngót sao vàng rồi sắc lấy nước uống. Người ta tin rằng những cặn bả trong lòng sẽ bị đẩy hết ra ngoài.
Trên cơ thể có chỗ bị sưng nhức người ta dùng lá bồ ngót đâm nát cho thêm nước muối pha lạt, sau đó đắp vào chỗ đau, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu ngay.
Vậy mới hay một loài cây hoang, dân gian đã tận dụng tối đa hiệu quả của nó để phục vụ cho đời sống thường nhật của con người
Comments[ 0 ]
Post a Comment