Nghi lễ này, được gọi trong tiếng Pali là paritta, được thực hiện nhằm xua đuổi những vong linh xấu ác - một thí dụ khác nữa về việc niềm tin dân gian và Phật giáo vẫn có mặt cạnh nhau. Nếu có người bệnh, hay dân làng đang gánh chịu một trận đói hay hạn hán (những bất hạnh mà có thể là do những linh hồn xấu ác tạo ra), người ta thường yêu cầu quý sư thực hiện việc tụng niệm đặc biệt này. Suốt cả tuần, từng hai tu sĩ luôn phiên tụng niệm không dừng. Mỗi lần, họ tụng khoảng một giờ, rồi hai người khác thay phiên tụng. Sự tụng niệm này rất nhiệt huyết, gần như là hét hơn là xướng tụng. Chỉ có các vị sư với giọng tụng mạnh mẽ mới được lựa chọn, và họ được coi trọng vì sự nỗ lực này. Các tăng sĩ trẻ thường nôn nóng để được đến lượt mình gia nhập nhóm tụng niệm này.
Một người bạn của tôi ở trường Phật học cũng nôn nóng được tham gia nghi lễ này như là tôi. Vị này thọ giới trước tôi một ngày, vì thế cả hai chúng tôi cùng đủ điều kiện như nhau. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi tranh nhau nhận lời mời tham dự một nghi lễ tụng niệm ở một ngôi chùa gần bên, mà bạn chúng tôi là sư trưởng ở đó.
Cả hai chúng tôi đều trẻ, đầy nhiệt huyết và vì đây là nghi lễ đả Phật thất đầu tiên của chúng tôi, nên chúng tôi muốn tụng nhiều hơn là chỉ một lần. Vì thế, chúng tôi khẩn cầu vài vị sư huynh nhường cho chúng tôi phần tụng niệm của họ. Họ đã thực hiện rất nhiều paritta nên vui vẻ nhận lời, vì thế cuối cùng là chúng tôi tụng phần lớn thời gian. Chúng tôi chỉ nghỉ để ăn hay làm công tác vệ sinh. Chúng tôi không ngủ chút nào!
Mỗi ngày lúc sáu giờ sáng, mười một giờ sáng, và sáu giờ chiều, người ta gióng trống lên để báo hiệu buổi tụng niệm bắt đầu. Họ phải đánh trống thật lớn để có thể át tiếng tụng niệm của chúng tôi. Ngược lại, để chứng tỏ sinh lực của mình, bạn tôi và tôi tụng còn lớn hơn nữa. Vì cố gắng để át tiếng trống, chúng tôi gần như là hét khan cả phổi.
Sau ba ngày bạn tôi xỉu luôn. Mấy vị cư sĩ ở chùa phải khiêng thầy vào phòng và đặt thầy lên giường ngủ. Tới chiều tỉnh lại, thầy lại cùng tôi tiếp tục tụng niệm.
Đến cuối tuần thì cả hai chúng tôi đều không còn sức lực. Dầu rất cần nghỉ ngơi, chúng tôi không thể ngủ. Chúng tôi cũng không thể nuốt trôi thứ gì, và cả hai đều bị nhức đầu khủng khiếp. Chúng tôi không thể chịu đựng ai ở quanh mình. Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi bị khủng hoảng tinh thần.
Tệ hơn cả là tôi mất trí nhớ, không chỉ trí nhớ như in mà tất cả mọi thứ! Tôi không thể nhận ra mẫu tự của bất cứ ngôn ngữ nào - Sinhala, Sanskrit, Tamil, hay tiếng Anh. Khi mở một trang sách, tôi không hiểu trong đó nói gì. Nếu tôi gặp ai đó, rồi năm phút sau gặp lại, tôi cũng không thể nhớ tên người đó. Tôi cảm thấy rất đau khổ và buồn bực bởi những gì đã xảy đến cho tôi. Tất cả niềm hãnh diện về những thành tựu trong việc học tập của tôi đều tan biến.
Trở lại trường, tôi không làm tốt các bài thi cuối khóa. Thầy hiệu trưởng hoang mang vì người học trò siêu sao của ông đã làm bài quá tệ, ông cho gọi tôi vào văn phòng. Tôi kể cho ông nghe về việc tôi tụng kinh suốt bảy ngày đêm và trí nhớ của tôi đã biến mất như thế nào. Ông bảo tôi hãy trở về chùa để nghỉ ngơi và trị bệnh.
Cả năm trời sau đó, tôi tìm đến đủ mọi phương cách chữa bệnh, một cuộc tìm kiếm vô vọng cho 'phương thuốc thần'. Đầu tiên, sư phụ tôi chế ra một hỗn hợp thuốc từ các loại cây và đắp lên trán tôi mỗi sáng. Sau một tháng tôi cũng không khá hơn, dầu vậy, tôi vẫn muốn được trở lại trường học. Những ngày huy hoàng của tôi đã qua đi. Giờ tôi phải vất vả học chính những điều đơn giản nhất.
Không chỉ là trí nhớ như in của tôi đã biến mất, mà tôi còn phải vật lộn với từng câu từng chữ, hay đôi khi cả từng mẫu tự. Có những đêm, trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy như có bao sâu bọ cắn rứt óc não tôi. Tôi thật hoảng loạn và bắt đầu nghĩ đến việc tự tử. Tôi không muốn sống trong hoàn cảnh như thế này chút nào. Tôi đã nghe người ta nói rằng những sợi tim đèn dầu rất độc, vì thế tôi bắt đầu thu thập và giấu chúng trong một chiếc hộp. May mà các bạn tôi biết được ý đồ đó và đã vứt cái hộp đi.
Có người lại khuyên tôi nên tìm một thầy thuốc Ayurvedic (ND: giống như thuốc nam) quảng cáo trong báo. Tôi đến gặp ông, kể bệnh của mình, và nói rằng tôi không có tiền. Là người tử tế; ông đã cho tôi một thứ thuốc rất quý mà không tính tiền. Mỗi ngày, theo lời ông chỉ dẫn, tôi thoa một ít dầu đó lên đầu, lên mũi, và còn uống cả một vài giọt nữa. Nó cũng giúp thông bịnh xoang mũi của tôi, và trả lại cho tôi chút ít trí nhớ; còn để hoàn toàn bình phục thì con đường còn dài.
Rồi sư phụ tôi kết luận rằng những rủi ro của tôi là do các oan hồn ma quỷ gây ra. “Quý sư sẽ tụng kinh suốt đêm cho con,” sư nói. Lúc đó, tôi không nghĩ lời đề nghị này khá oái ăm. Trong lúc tôi nằm trên sàn, tám vị tăng tụng niệm bằng tiếng Pali suốt đêm dài. Sáng hôm sau tôi cũng không thấy có gì khác.
Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng có thể một oan hồn nào đó đã nhập vào tôi, vì thế họ gọi một pháp sư làm bùa chú. Tôi đến gặp người này ở nhà cha mẹ tôi. Ông yêu cầu cha tôi lấy bảy trái chanh và bảo tôi ngồi lên ghế trong khi ông cầm một trái chanh và một cái kéo để trên đầu tôi, rồi tụng những câu chú bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi nghĩ là ông ta đã tự chế ra ngay tại chỗ. Vừa tụng chú, ông vừa dùng kéo cắt chanh, để nước chanh chảy xuống đầu tôi. Ông lập lại nghi thức đó với tất cả bảy trái chanh. Cuối cùng, ông cột một dây bùa bằng vải quanh cổ tôi.
Cha mẹ tôi chắc chắn rằng làm vậy sẽ chữa được tôi khỏi bệnh. Nhưng tôi không khỏi, vì thế họ lại mời một thầy phù thủy khác, có lẽ có nhiều oai lực hơn.
Thầy phù thủy và sáu người tùy tùng đến nhà tôi. Ông yêu cầu cha tôi mang đến bao nhiêu thứ: dừa, dầu dừa, cau trầu, hoa dâm bụt và ít vải quấn quanh các cành cây khô để làm đuốc. Trong lúc đó, thầy phù thủy tạc một hình tượng bằng đất sét giống như tôi. Tượng tròn mập, giống như một người tuyết bằng đất nung. Khi mọi thứ đã xong, thầy phù thủy và đoàn tùy tùng vận xà rong, vấn khăn trắng lên đầu. Họ dẫn tôi đến một căn lều nhỏ và để tôi ngồi trước tượng đất sét mà họ đã làm. Các thành viên khác trong gia đình được phép ngồi gần bên, trên những chiếc chiếu trải trên mặt đất. Sau khi nhai trầu, bọn họ bắt đầu tụng chú bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng. Không phải tiếng Sinhala, không phải Pali, cũng không phải Sanskrit. Tôi chưa bao giờ nghe qua ngôn ngữ này. Chỉ là một hỗn tạp của âm thanh. Trong khi tụng chú, họ cầm những cây đuốc lửa và vãi bột nhang vào đó để làm cho ngọn lửa bùng sáng hơn.
Mỗi lần ngọn lửa bùng lên, hai người trong đoàn ngồi ở hai bên tôi sẽ la lên bằng tiếng Sinhala, “Ayu bova!” (Cầu cho ngươi sống lâu!).
Nghi lễ kéo dài cả đêm, cho đến khi các cây đuốc tàn lụi. Rạng sáng, họ xiên mấy cây đinh vào đầu của hình nộm, rõ ràng là để giải thoát tôi khỏi bệnh hoạn. Rồi họ cột một sợi chỉ quanh cổ tôi, giống như là vị thầy chú trước đã làm.
Lần này, cũng chẳng có kết quả gì.
Cha mẹ tôi thì không còn biết phải làm gì nữa, nhưng sư phụ tôi lại nghĩ ra một cách khác nữa: Ông cho tôi một miếng bùa làm bằng thiếc được cuộn lại thành một cái ống khoảng bốn centimet, cỡ như cây viết bi. Đó là một miếng bùa theo truyền thống ở Ceylon được gọi làratana yantra, hay là miếng bùa kim loại. Một số đoạn trong kinh Ratana được chọn để khắc lên đó. Người Sinhala tin rằng nếu loại bùa này được đeo quanh cổ hay ngang thắt lưng, nó sẽ xua đuổi được ma quỷ. Sư phụ tôi đeo cái bùa lên cổ tôi.
Tôi rất mang ơn cha mẹ, sư phụ tôi và các lương y đã cố gắng chữa trị cho tôi. Nhưng tiếc thay, tất cả mọi cố gắng của họ đều vô ích. Không có kết quả gì. Trí nhớ siêu việt của tôi đã biến mất mãi mãi.
Ở thời điểm mà tôi hoàn toàn thất vọng, một ý nghĩ lạ lùng bỗng hiện lên trong đầu tôi. Có thể thiền tập sẽ giúp mình. Khi các huynh đệ của tôi nghe về ý tưởng này, họ phá lên cười. Vào những ngày ấy, thiền tập không phải là công phu tu tập bình thường, ngay đối với một tỳ kheo.
"Huynh điên rồi sao?” một người nói. “Thiền chỉ dành cho những người già yếu không thể làm được việc gì nữa. Huynh vẫn còn trẻ, quá trẻ để hành thiền. Đừng có dại dột thế.”
Dầu tôi rất thông suốt lý thuyết thiền, thuộc nằm lòng tứ niệm xứ, tôi chưa bao giờ thực sự hành thiền, tin được hay không. Thời đó rất ít tu sĩ hành thiền. Họ quá bận rộn thuyết pháp, tụng kinh và thực hành các lễ cầu an. Dĩ nhiên họ cũng nói nhiều về thiền, nhưng rất ít khi thực hành. Có người thực sự còn tin rằng nếu tọa thiền quá lâu, sẽ bị tán loạn tâm thần.
Tôi thì nghĩ rằng tôi đã bị tán loạn tâm thần rồi. Vậy thì tôi còn sợ gì nữa?
Tôi bắt đầu hành thiền một cách bí mật – đôi khi giữa khuya, đôi khi sáng sớm. Bất cứ khi nào tôi có được vài giây phút yên tĩnh một mình, tôi tọa thiền, ngồi trong một góc tối của chánh điện nơi tôi hy vọng rằng không ai bắt gặp mình. Tôi biết rằng tôi đang cố gắng để huân tập một thói quen tâm linh, và để có được kết quả, tôi dành thời gian thực hành mỗi ngày. Đó cũng giống như tập thể dục cho tâm, cố gắng chuyển động những bắp thịt đã quá yếu đuối do thiếu tập luyện.
Lúc đầu, tôi chỉ cố gắng để an tịnh tâm bằng cách nhớ lại những chuyện thường tình – tên bạn bè, những ngôi chùa đã viếng thăm, tên các quyển sách đã đọc. Không phải là điều dễ dàng, có những khoảng trống lớn trong ký ức tôi. Nhưng tôi đã cố gắng không hoảng loạn.
Rồi dựa vào sự chỉ dẫn trong bốn căn bản chánh niệm (tứ niệm xứ), tôi bắt đầu theo dõi hơi thở, các cảm thọ nơi thân, các cảm giác và ý nghĩ đi qua đầu tôi.
Sự quán sát đó dần dần mang đến một cảm giác rất an tịnh bên trong tôi. Thỉnh thoảng tôi còn kinh nghiệm được những giây phút hỷ lạc thoáng qua. Dĩ nhiên, những giây phút ngắn ngủi này khiến cho sự hành thiền thêm dễ chịu và khuyến khích tôi tiếp tục.
Dần dần những thứ tôi đã học trong quá khứ bắt đầu trở lại với tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chữ cái và con số. Tính khí tôi cũng thay đổi một cách không ngờ. Sau vài tháng kiên trì thực tập, tôi đã có thể đọc và nhớ những gì đã đọc. Tôi thật vui mừng và nhẹ nhõm vì tôi đã tìm ra “thuốc chữa”.
Thiền đã làm được tất cả những gì mà bùa phép và các thứ dầu thuốc không thể làm được.
Nó đã mang lại sự thanh tịnh cho tâm tôi.
Comments[ 0 ]
Post a Comment