Gốc gác của tôiTôi sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935 trong một thôn xóm nghèo nàn tên là Taktser, tên có nghĩa là "con hổ gầm thét", heo hút trong miền đông bắc Tây tạng thuộc tỉnh Amdo, không xa biên giới Trung quốc. Cha mẹ tôi là những người nông dân nghèo. Thật thế những gì cha mẹ tôi gieo trồng cũng chỉ đủ nuôi chúng tôi. Cũng giống như các gia đình nông dân khác, gia đình cha mẹ tôi rất đông con, việc đồng áng phải cần đến con cái giúp đỡ. Mẹ tôi sinh tất cả mười sáu lần, thế nhưng chỉ nuôi được bảy anh em chúng tôi. Quả thật, trong gia đình nào có ai để ý tôi là một đứa bé khác hơn với những đứa bé bình thường khác.
Một đôi quạ xuất hiện vào ngày tôi ra đời Vào ngày tôi sinh có một đôi quạ bay đến đậu trên mái nhà. Sau đó cứ mỗi sáng chúng lại bay đến một lúc rồi mới bay đi. Điềm ấy thật đáng chú ý vì đã từng xảy ra khi các vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ I, thứ VII và thứ VIII sinh ra đời.
Trong trường hợp nào tôi được công nhận là vị tái sinh của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIII ?
Một hôm, có một đoàn người do chính quyền Lhassa cử đi dò tìm vị Đạt-Lai Lạt-Ma tái sinh, họ kéo đến ngôi chùa Kumbum. Lúc bấy giờ tôi chưa đầy ba tuổi. Đoàn người dò theo các dấu hiệu mà họ tìm thấy và cứ theo đó lần mò đến tận nông trại của cha mẹ tôi. Họ nghỉ đêm với gia đình chúng tôi, họ nô đùa với tôi, quan sát từng cử chỉ nhỏ nhặt của tôi. Vài hôm sau họ lại quay lại và mang theo nhiều vật dụng tùy thân của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII và cả các vật dụng khác cùng loại nhưng không phải của Ngài. Mỗi khi họ đưa các vật dụng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII cho tôi trông thấy thì tôi liền reo lên : "Cái này của tôi mà ! Cái này của tôi mà !". Do đó tôi được xác nhận là vị tân Đạt-Lai Lạt-Ma.
Những chiếc răng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII Mẹ tôi còn nhớ thật rõ khi người ta vừa đưa tôi đến Lhassa, tôi liền nói với mọi người là răng của tôi được cất giữ trong một cái hộp cất trong một gian phòng của cung Norbulingka (cung mùa hè) và tôi còn cho biết thêm một cách chính xác trong gian phòng nào. Khi người ta tìm thấy và mở hộp ra thì quả đúng là răng của vị Đạt-Lai Lạt-Ma XIII trong ấy. Tôi lấy tay trỏ vào chiếc hộp và bảo rằng chính đấy là răng của tôi.
Vị Bồ-tát của lòng Từ bi mang biểu tượng của Hoa sen Trắng Mọi người xem tôi là hóa thân của các vị Đạt-Lai Lạt-Ma sinh ra trước tôi - vị thứ nhất sinh vào năm 1351 - và chính vị này được xem là vị Bồ-tát của lòng Từ bi, mang biểu tượng của Hoa sen Trắng (tức là Quán Thế Âm Bồ-tát). Người ta tin rằng tôi là biểu hiện thứ bảy mươi bốn của một dòng tái sinh bắt đầu từ một đứa bé thuộc dòng dõi Bà-la-môn (giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn độ) sống vào thời kỳ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế cách nay hơn hai nghìn năm trăm năm.
Vị Bồ-tát tượng trưng cho lòng Từ bi tái sinh Biết phải nói gì thêm để chứng minh sự kiện người ta cho tôi là người tái sinh của vị Bồ-tát Vô lượng Từ bi tức là Đức Quán Thế Âm Bồ-tát (Avalokiteshvara). Tôi chỉ biết nhờ vào thiền định để nhìn ngược lại đời tôi và theo dõi từng hơi thở một, hết hơi thở này lại chuyển sang hơi thở khác, cứ thế tôi ngược trở về quá khứ, điều này thật vô cùng tế nhị.
Tôi nghĩ rằng có bốn cách tái sinh.Cách thứ nhất là sự tái sinh thông thường. Đối với thể loại này cá thể không có khả năng nào tạo ra tác động hầu biến cải sự tái sinh của mình, sự sinh đó hoàn toàn lệ thuộc vào hậu quả phát sinh từ các hành động do chính cá thể ấy thực thi trong quá khứ.
Cách thứ hai hoàn toàn ngược lại, đó là trường hợp của một vị Phật hoàn toàn giác ngộ thế nhưng nhất quyết tái sinh và mang hình tướng con người hầu có thể giúp đỡ người khác. Trong trường hợp này, tất nhiên vị ấy đã là một vị Phật.
Cách thứ ba là sự tái sinh của những người nhờ vào kết quả tu tập của chính mình trong quá khứ có đủ khả năng chọn lựa hay ít ra cũng có thể tạo được ảnh hưởng thuận lợi liên hệ đến nơi sinh và hoàn cảnh tái sinh của mình.
Cách thứ tư là một sự "biểu lộ thánh thiện". Trong trường hợp này, người tái sinh tiếp nhận một trọng trách vượt lên trên cả khả năng của chính mình nhằm mục đích thực hiện một sứ mạng mang lại những lợi ích nào đó, chẳng hạn như giảng dạy cho người khác sự tu tập tâm linh. Để thực hiện mục đích trên đây, người tái sinh phải ước nguyện thật mãnh liệt từ trong các kiếp sống trước được tiếp tục tái sinh để giúp đỡ người khác. Đấy là một cách tự tạo cho mình một sứ mạng thiêng liêng.
Dù rằng tất cả các trường hợp tái sinh trên đây đều có thể xảy ra cho tôi, thế nhưng tôi không thể khẳng định một cách quả quyết sự tái sinh của tôi thuộc vào loại nào.
Trong bụng mẹ Người ta thường hỏi tôi có nhớ được sự sinh (có nghĩa là vào lúc thụ thai) của tôi hay thể dạng trước khi sinh hay không. Cho đến giờ phút này, tôi không nhớ được. Thế nhưng thói thường khi một hài nhi sinh ra đời thì mắt nhắm, trái lại khi mẹ sinh tôi ra thì đôi mắt tôi mở to. Đấy có thể là một dấu hiệu nhỏ cho thấy một tâm thức sáng suốt khi tôi còn trong bụng mẹ.
Người ta gán cho tôi là một con người hàm chứa những phẩm tính thiêng liêng Quả thật là một trường hợp hiếm hoi khi có một người nào đó được người khác xem là mang phẩm tính thiêng liêng, dù là dưới thể dạng này này hay thể dạng khác. Thế nhưng nhờ đấy mà tôi đã thực hiện được nhiều điều lợi ích. Vì thế tôi rất trân quý sự đánh giá ấy ; nó mang lại cho tôi niềm hân hoan. Vai trò thiêng liêng đó đã giúp tôi mang lại ích lợi cho nhiều người và tôi hiểu rằng đấy là nhờ vào nghiệp trong quá khứ đã giúp tôi giữ vững được trọng trách ấy. Quý vị có thể cho rằng chẳng qua tôi gặp được nhiều may mắn thế thôi. Thế nhưng phía sau chữ "may mắn" nhất định phải có những nguyên nhân và lý do đích thực nào đó. Đấy chính là nghiệp của tôi đã mang lại sức mạnh giúp tôi đảm trách bổn phận và thực hiện hoài bão của tôi. "Cho đến khi nào không gian còn hiện hữu, cho đến khi nào còn chúng sinh trong cõi luân hồi, tôi xin được còn đây để giúp họ thoát khỏi khổ đau", đấy là câu nguyện ước của một nhà sư tên là Tịch Thiên (Santideva). Tôi xin lập lại lời ước nguyện đó trong kiếp sống này và tôi cũng hiểu rằng tôi đã từng nói lên lời ước nguyện đó trong các kiếp sống trước trong quá khứ của tôi.
Mẹ tôi Mẹ tôi nhất định là một trong số những người khả ái nhất mà tôi được biết. Bà thật tuyệt vời và vô cùng từ bi. Một hôm, trong lúc nạn đói hoành hành khủng khiếp tại Trung quốc và nhiều người nghèo phải vượt biên giới tìm miếng ăn trong vùng chúng tôi đang sinh sống, có một đôi vợ chồng gõ cửa nhà chúng tôi mang theo trên tay một đứa bé đã chết. Họ xin mẹ tôi cho họ chút gì để lót dạ, mẹ tôi vội vàng mang thức ăn cho họ. Sau đó thì mẹ tôi trỏ vào đứa bé và ra hiệu bảo với họ có cần mẹ tôi giúp chôn cất đứa bé hay không. Khi họ hiểu được mẹ tôi muốn nói gì thì cả hai đều lắc đầu và ra hiệu giải thích rằng họ có ý định sẽ ăn đứa bé. Mẹ tôi vô cùng kinh hoàng vội kéo họ vào nhà và mang tất cả thức ăn trong bếp ra cho họ.
Trong bất cứ trường hợp nào dù cho cả gia đình có thể phải nhịn đói thế nhưng không bao giờ mẹ tôi từ chối bất cứ một người ăn xin nào đến gõ cửa.
Sự cô đơn của một đứa bé Vài tháng sau khi đoàn người điều tra xác nhận đứa bé trong thôn Taktser là vị Đạt-Lai Lạt-Ma tái sinh thì vào một buổi sớm cha mẹ tôi dắt tôi đến ngôi chùa Kumbum. Một buổi lễ được tổ chức ngay sau đó vào lúc hừng đông và sau đấy người ta giữ tôi ở lại chùa. Khoảng thời gian này khá buồn. Cha mẹ tôi quay về, tôi cảm thấy cô đơn trong một môi trường xa lạ. Thật vô cùng khổ sở cho một đứa bé phải sống xa gia đình. Tôi luôn cảm thấy bất hạnh. Tôi cũng chẳng hiểu Đạt-Lai Lạt-Ma có nghĩa là cái gì, tôi chỉ cảm thấy mình là một đứa bé như tất cả những đứa bé khác.
Nơi lâu đài mùa đông Potala tại Lhassa với hàng nghìn gian phòng Mùa đông năm 1940 người ta đưa tôi về lâu đài Potala. Một buổi lễ được diễn ra trong Gian phòng Tiếp tân, nơi được xem là điểm phát xuất của những hành động tốt lành trên cả hai phương diện tâm linh và tạm thời (tức chính trị), và sau đó người ta chính thức phong cho tôi chức vị lãnh đạo tinh thần chăm lo cho toàn dân Tây tạng. Ngày nay tôi vẫn còn nhớ rõ chiếc ngai thật to gọi là ngai Sư tử, làm bằng gỗ chạm trổ thật tinh vi và khảm đá quý. Hôm ấy lần đầu tiên người ta đặt tôi ngồi vào chiếc ngai này. Ít lâu sau người ta lại đưa tôi đến ngôi chùa Jokhang để thụ phong sa di. Nhà sư Reting Rinpoché cắt tượng trưng vài lọn tóc của tôi. Vị này giữ chức nhiếp chính và tạm thời làm nguyên thủ Quốc gia, chờ đến khi tôi trưởng thành.
Ngoài vị Reting Rinpoché ra, tôi còn có thêm hai vị giám hộ và ba nhà sư phục dịch : một giữ việc nghi lễ, một lo việc bếp núc, một lo việc ăn mặc. Mỗi khi tôi đi đâu thì đoàn tùy tùng đều đi theo. Các vị bộ trưởng và các cố vấn chính phủ ăn mặc lụa là sang trọng bao quanh tôi, họ xuất thân từ các gia đình cao sang và quý phái nhất trong nước. Mỗi lần tôi rời lâu đài Potala, hàng trăm tùy tùng đi theo. Lúc nào cũng thế, cứ mỗi lần ra khỏi lâu đài là hầu hết dân chúng thủ đô Lhassa tìm đủ mọi cách để được trông thấy tôi tận mắt. Trong bầu không khí yên lặng và những phút giây trang nghiêm đó tôi hòa mình với dân chúng đang vái lạy tôi, lắm khi làm cho tôi phải bật khóc.
Đứa bé và người đầu bếp Ngày còn ấu thơ tôi rất quý mến người đầu bếp, yêu quý đến độ không muốn xa rời vị này một phút nào. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy vạt áo của vị ấy loáng thoáng dưới chân các tấm màn chắn ngang cửa các gian phòng cũng đủ khiến cho tôi vui mừng. Cũng may, ông ta không nề hà gì về thái độ của tôi. Ông hói đầu, gần như không còn tóc, lúc nào cũng tỏ ra dịu dàng và đơn sơ. Ông ta kể chuyện không được hấp dẫn lắm, lại không thích nô đùa, thế nhưng những điều ấy chẳng hề quan trọng đối với tôi.
Tôi vẫn thường thắc mắc về bản chất của nguyên nhân chi phối sự gắn bó giữa vị đầu bếp và tôi, đôi khi tôi cũng liên tưởng đến miếng ăn đã giữ vai trò chủ yếu trong sự tương giao giữa con người với nhau.
Việc học hành của tôi Cuộc sống của tôi chẳng có gì đặc biệt. Mỗi ngày hai buổi học, mỗi buổi một giờ, ngoài giờ học thì chơi đùa. Lúc vừa được mười ba tuổi người ta bắt tôi phải học theo chương trình dự trù cho các nhà sự chuẩn bị thi tiến sĩ Phật học. Chương trình gồm mười chuyên khoa, trong số này có năm chuyên khoa chính là : lôgic học, tiếng Phạn và văn phạm, y khoa, nghệ thuật và triết học Phật giáo. Năm chuyên khoa thứ yếu là : thi phú, thiên văn, nghệ thuật sân khấu (kịch nghệ, âm nhạc, ca vũ...), ngữ pháp và thuật ngữ. Chương trình học thiếu cân bằng và không thích nghi lắm cho việc đào tạo một người sau này sẽ phải điều khiển một xứ sở trong tương lai nhất là vào thế kỷ XX này. Chương trình học rất thủ cựu, thế nhưng dần dần tôi cũng quen. Thỉnh thoảng cũng được nghỉ hè, vào các dịp này người anh của tôi là Lobsang Samtèm cùng trạc tuổi tôi được phép đến thăm. Thỉnh thoảng mẹ tôi mang cho tôi một loại bánh đặc sản của tỉnh Amdo mà chính tay bà làm lấy.
Ngày lễ Lossar vào dịp đầu Năm Mới Ngày lễ lớn nhất trong năm là ngày lễ Lossar tức ngày lễ đầu Năm Mới (ngày Tết), vào khoảng tháng hai hay tháng ba Tây lịch. Đối với tôi đấy là dịp được hội kiến công khai với vị Nechung tức là vị lo về sấm truyền cho Quốc gia. Vị này nhập vào vị thần linh của nước Tây tạng là Dorje Drakden và sau đó nói lại cho tôi và cả chính phủ biết về tương lai vận hạn của Quốc gia trong Năm Mới.
Các lời sấm truyền Khác với những gì mà người ta cố tình hiểu lầm, các vị tiên tri không phải chỉ biết tiên đoán tương lai. Thật ra người ta thường cầu khẩn các vị tiên tri để che chở và chữa bệnh cho họ, tuy nhiên vai trò chính yếu nhất của các vị tiên tri là giúp mọi người hướng vào Dharma - tức Giáo lý Phật giáo - để tu tập. Ngày xưa nước Tây tạng có hàng trăm vị tiên tri như thế. Ngày nay con số này ít hơn nhiều, thế nhưng riêng chính quyền Tây tạng thì vẫn tiếp tục nhờ đến các vị tiên tri tài giỏi (thí dụ vị tiên tri Lobsang Jigmé đã tiên đoán trước từ năm 1947 là Trung quốc sẽ xâm chiếm Tây tạng và chính vị này cũng đã khuyên Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nên rời khỏi Tây tạng vào năm 1959, ghi chú thêm của người dịch). Trong số này có vị tiên tri của chùa Nechung là được tin cẩn hơn cả. Một trong các vị thần linh hộ trì cho các vị Đạt-Lai Lạt-Ma là Dorje Drakden thường hiển hiện xuyên qua vị tiên tri chùa Nechung. Từ nhiều thế kỷ nay các vị Đạt-Lai Lạt-Ma và cả chính phủ thường hay tham vấn các vị tiên tri chùa Nechung. Ngày nay chính tôi cũng tham vấn nhiều lần trong năm. Tôi quyết định chọn vị tiên tri chùa Nechung vì các lời tiên đoán của vị này tỏ ra rất đúng. Điều đó không có nghĩa là tôi chỉ biết tuân theo các lời khuyên của vị này, trái lại là khác. Nếu tôi có hỏi vị tiên tri thì đấy cũng tương tợ như khi tôi tham vấn hội đồng Nội các của tôi thế thôi, sau đó tôi còn phải hỏi chính lương tâm của tôi nữa. Nếu hội đồng Kashag (hội đồng bộ trưởng) có thể ví như là hạ viện, thì các bậc thiên nhân sẽ tượng trưng cho "thượng viện" đối với tôi. Khi tôi phải quyết định về một vấn đề nào đó liên quan đến vận mệnh Quốc gia, tôi nghĩ thật hết sức hiển nhiên phải đệ trình lên hạ viện và cả thượng viện.
Y phục nghi lễ của vị tiên tri Nechung Tại Dharamsala (nơi thiết lập chính phủ lưu vong của Tây tạng trên đất Ấn), vị tiên tri Nechung trụ trì một tu viện riêng. Y phục khi hành lễ của vị này gồm nhiều lớp vải quấn bên trong, bên ngoài là một chiếc áo rộng thêu thùa các biểu tượng cổ truyền, trước ngực đeo một tấm gương nhỏ chung quanh khảm ngọc lam (turquoise) và thạch anh tím (a-mê-tít), bên ngoài lại còn khoác thêm trang phục có cắm bốn lá cờ lớn và ba cờ hiệu biểu dương sự chiến thắng. Tất cả nặng hơn ba mươi lăm kilô, khi chưa nhập hồn thì người lên đồng đi đứng thật khó khăn vì quần áo và cờ quạt quá nặng. Hơn nữa người ta còn đặt lên đầu vị này một cái mão nặng đến mười lăm kilô. Ngày xưa cái mão này có thể nặng hơn bốn mươi kilô !
Comments[ 0 ]
Post a Comment