Quà Hà Nội nổi tiếng ngon nhưng lại chỉ tập trung ở những khu phố cổ còn ra ngoại thành hay về các huyện thì những thú lừng danh như phở bò, chả cá lại chẳng có nữa, muốn ăn miếng ngon Hà Nội cứ phải vào nội thành.
Xứ Thanh hàng quà không kém Hà Nội bởi không cứ gì ở thành phố Thanh Hóa mà thị trấn nào, huyện nào cũng rải khắp mặt hàng quà, mỗi vùng có một thứ ngon gần như đặc sản từng vùng.
Đến Trung tâm Thanh Hóa đã thấy chả tôm, cháo lươn, hai món ngon nhất thành phố địa đầu miền Trung. Nhân tôm nõn, vỏ là bánh phở cặp nẹp tre nướng trên than hoa ăn với rau cần, diếp, khế và hành. Chả tôm ngon vì lạ miệng, rẻ mà không biết chán nên ăn điểm tâm buổi sáng rồi trưa ăn trừ cơm cũng được. Chỉ có điều ai yếu bụng nên đòi nhà hàng phải rửa rau ăn qua nước muối đậm trong lúc chờ nướng chả. Món cháo lươn lại bán tận trong hẻm nhỏ. Cũng là con lươn trong bùn cũng là thứ cháo hoa như mọi nơi nhưng sao cháo lươn ở đây lại ngon đến thế. Hóa ra bí mật là ở cách nấu. Trước hết, thịt lươn phải đảo mỡ cho thật khô. Xương lươn và xương lợn nấu thành nước dùng ngọt lịm và không vội đổ gạo vào mà chỉ bỏ vào nồi nước lươn đang sôi khi cần có cháo. Cháo lươn ăn với đậu phụ rán giòn, bánh xèo hoặc bánh cuộn nêm các gia vị khác, đặc biệt phải có hành khô. Nếu gạo còn nguyên hạt gọi là cháo búp còn khi hạt gạo nở ra một chút gọi là búp hoa. Khẩu vị người sành Thanh Hóa là không ưa cháo sánh nhuyễn bởi ăn cháo lươn nấu theo kiểu độc đáo này có thể vừa ăn vùa uống rượu được.
Phố Thanh còn có nem quả tương tự như nem chua nơi khác. Chất nem làm bằng thịt lợn có loại chua loại trộn thính gạo. Cả hai thứ đều gói thành từng chiếc nhỏ hình vuông sáu mặt nên gọi là quả, bọc lá chuối xanh xâu thành chục dùng làm đỗ lễ hoặc quà biếu.
Phố xá ở đây còn có bánh xèo thực ra nó như bánh khoái ở miền Nam làm bằng bột gạo nếp, nhân đậu xanh, rán mở bên ngoài cứng rắn giòn xốp nhưng bên trong lại rất dẻo kéo dài ra như bánh dày được. Thoạt nhìn thấy bánh xèo Thanh Hóa người ta dễ lầm với bánh rán ngoài Bắc nhưng khẩu vị người xứ Thanh lại thích ăn như vậy nên lúc đói có khi ngồi ăn tới cả chục chiếc chưa chán. Còn cái tên lại trùng với bánh xèo miền Nam nhưng nguyên liệu và cách ăn không hề giống nhau nên không nghĩ đến việc thay tên đổi họ làm gì bởi người bản địa đã gọi quen như thế rồi.
Dân Sành đến Thanh Hóa không mấy người bỏ qua cháo dê và tiết canh dê.
Thịt dê chín tái, thái thật mỏng làm chạo. Màu chạo vàng nhạt rất khô giòn mà không nát ngon tuyệt vời. Thanh Hóa chỉ quen ăn chạo và tiết canh dê thôi, các phần còn lại đem nấu cao. Nếu lẻ loi có gia đình ai đó dọn lên mâm các món khác đó là muốn thưởng thức cách nấu của tỉnh bạn mà thôi, nên chẳng có lẩu dê, tái dê như ở Sài Gòn, Hà Nội.
Ra ngoài thành phố là đến huyện Đông Sơn nơi tìm thấy trống đồng ngàn xưa. Huyện này có món hến Giàng bắt ở ngã ba Đầu, bán ở Chợ làng Giàng. Hến ở nơi khác vỏ đen nhưng hến ở đây lại có màu vàng phớt xanh nên thịt thơm khô ngày xưa là thứ tiến vua.
Đặc sản huyện Thạch Thành là giống mía Kim màu đen thân to nhặt mắt, giòn tan ngọt đậm và giống vịt bầu béo nục nạc thịt thơm ngon thường gọi là vịt Trạc Nhật. Huyện Hà Trung cũng có mía tiến cũng to cây nhưng màu trắng ngà, ngọt thanh, bã nhả ra như bông, đó là mía xã Hà Long. Sinh vật chỉ có ốc nhồi và nhiều loại ốc khác khắp huyện nơi nào cũng sẵn nên Hà Trung nổi tiếng về các món ốc nhồi
Huyện Hoàng Hóa có bánh khoái nhân cá làm bằng bột gạo tẻ và trứng, nhân là cá săng ở sông Mã do làng Ngoạt Viên làm, bán buôn khắp vùng lân cận. Dừa Hoàng Hóa nhiều nhất tỉnh Thanh và giá thì rẻ bất ngờ cho nên mùa hè uống nước dừa ở đây không phải là thứ giải khát đắt tiền.
Hoàng Hóa còn có đặc sản “phi" cần sài tức là một loài trai hến sống trong sông Tào Quan chảy qua Cẩu Sài, ruột ngon ngọt cực kỳ hiếm thấy ở nơi khác.
Huyện Vĩnh Lộc nổi tiếng về chè lam phủ Quảng một sản phẩm nửa kẹo nửa bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, lạc và gừng, vừa cứng vừa giòn nhưng ngấm nước mềm ngay dễ bẻ. Có truyền thuyết cho rằng đây là lương khô của nghĩa quân Lam Sơn nên mới có tên là chè lam.
Vĩnh Lộc cũng là huyện nuôi nhiều dê nhất tỉnh, hàng ngày cung cấp cho thành phố để làm chạo dê. Ngoài ra con một thứ dưa muối thơm ngon làm bằng giông rau cải trồng ở bãi sông vùng đổ Lê nên thường gọi là dưa Lê để phân biệt với dưa vùng khác không giòn chua và ngon bằng.
Huyện Lang Chánh nổi tiếng về mật ong Yên Khương của dân tộc Mường, còn huyện Thọ Xuân lại được người ta biết đến qua bánh gai. Bánh gai Tứ Trụ bằng bột gạo nếp, lá gai, đậu xanh, dừa và mỡ lợn. Bánh gai Ninh Giang nổi tiếng Hải Dương nhưng chưa chắc đã ngon hơn bánh gai Tứ Trụ, nhưng vì không gần xa lộ lớn nên chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa có dịp góp mặt trong thị phần miền Bắc về thứ bánh dân tộc truyền thống này. Vùng chợ Đầm thuộc xã Xuân Thiên có cá rô Đầm và chè Lược Lá nhỏ là hai đặc sản nữa của huyện Thọ Xuân.
Hải sản biển dọc các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia đâu cũng có thể mua được cá biển, sò huyết, mực ống, mắm tôm đặc biệt là món cá thu tuy thân nhỏ nhưng thịt chắc thơm, chỉ cần được ăn một khoanh thôi cũng đã thấy nhớ biển xứ Thanh ấy là chưa nói gì đến bãi tắm Sầm Sơn nơi sóng xanh vỗ suốt mùa hè với đủ mọi của ngon vật lạ từ các huyện chở tới, từ thành phố mang ra để cho du khách chỉ cần nghỉ ngơi tại một chỗ mà có đủ miếng ngon vùng quê Thanh Hóa chào gọi thưởng thức hoặc mua thêm về làm quà tặng sau một chuyến đi nghỉ mát mùa hè.
Comments[ 0 ]
Post a Comment