Bồn bồn thường mọc hoang ở vùng đất thấp như bưng, biền hay các đìa lạn, có nhiều phèn mặn. Bồn bồn thuộc họ lau sậy, mọc trên nước, rễ thả nổi như rau muống, lá dài giống sả, có khả năng chịu ngập sâu. Loài cây mọc hoang này một thời gian làm vướng bước chân của những người mở đất, bởi nó cùng với cỏ năn lát thay nhau mọc… cạnh tranh sự sống quyết liệt với lúa, nếp. Muốn có đất trồng lúa, những người xuôi phương Nam về vùng tận cùng của Tổ quốc phải dùng phảng chế bỏ bồn bôn. Loại cây này ngày nay vẫn còn mọc nhiều ở Sóc Trăng nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu…
Ruộng bồn bồn
Bồn bồn vừa hái về
Dưa bồn bồn
Tình cảnh của người dân quê ngày xưa dường như còn phảng phất trong câu ca:
Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng
Thương em một đời dải nắng dầm mưa
Người ta sử dụng bồn bồn để chế biến thức ăn từ phần non của thân cây, người bình dân kêu là củ hủ. Hễ vào mùa nước nổi mênh mông trên đồng cũng là lúc người ta chống xuồng đi nhổ bồn bồn. Việc hái bồn bồn cũng đơn giản, chỉ cần cầm ngọn rồi tước phần lá ở ngoài, bẻ lõi màu trắng bên trong cho vào rổ.
Bồn bồn tươi hái về có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất ngon như: xào tôm thịt, nấu canh chua, nấu lẩu chua, làm gỏi, nấu canh dừa.
Bắc chảo nóng cho mấy con tép đã rửa sạch, ngắt bỏ đầu, đuôi vào chảo xào cho thấm, nêm nếm vừa ăn rồi trút bồn bồn vào. Đậy kín nắp lát sau bồn bồn chín. Rắc ra đĩa, rắc thêm ít tiêu xay lên trên. Bồn bồn xào tép, khi ăn chấm với nước mắm chua, cay, …
Đĩa dưa bồn bồn
Gỏi bồn bồn trộn tép
Cọng bồn bồn cũng có thể dùng làm rau bổi để nấu canh chua cá rô, canh chua lươn,… Độc đáo nhất của bồn bồn là đem đi làm dưa. Dưa chua bồn bồn làm khá đơn giản nhưng lại rất ngon.
Trước hết phải chọn phần non trắng của bồn bồn, dùng dao nhọn bén chẻ làm hai hoặc tư tùy độ lớn của ruột bồn bồn. Sắp bồn bồn vào hũ, pha muối và đường vào nước vo gạo. Sau đó, đổ hỗn hợp này ngập kín bồn bồn rồi đậy chặt hũ lại, khoảng vài ngày là ăn được.
Dưa bồn bồn có thể biến tấu thành những món ăn với cơm nóng không chê vào đâu được. Chỉ cần mấy con ba khía trộn với chanh chua, ớt cay, gắp thêm dĩa bồn bồn là cơm ăn hết nồi cũng không biết.
Dưa bồn bồn chấm cá kho, mắm kho vừa làm ngon miệng vừa như phảng phất hương vị đồng quê miệt bưng biền.
Người ta cũng có thể bắt tép luộc rồi lột vỏ trộn gỏi với bồn bồn. Nhiều khi túng quẩn không có tép thì ốc luộc, hay con khô các sặc rằn, khô cá lóc trộn gỏi bồn bồn cũng ngon lành chẳng kém món ăn nào khác.
Đến đây, người viết chợt nhớ đến mấy câu thơ trong lời bài ca vọng cổ Bông bồn rụng trắng của nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, xin mượn nó để thay cho lời kết:
" Tưởng anh đi xa rồi anh mau quay trở lại
Để em bán bồn bồn em bỏ ống em chờ anh
Gió xứ Đầm năm nay xao động
Để bông bồn bồn rụng trắng như sương"
Comments[ 0 ]
Post a Comment