Ở Tích Lan, có ba tông phái chánh của Phật giáo nguyên thủy. Tông phái xưa nhất và lớn nhất, mà tôi là một thành viên, là Siyam Nikaya. Tông phái này có nhiều tăng sĩ và chùa chiền hơn là các tông phái khác. Nó cũng có những ngôi chùa cổ xưa nhất ở đất nước này. Cái tên Siyam, có từ khi Tăng già, hay là tăng đoàn, đã rơi xuống con số thấp nhất dưới sự cai trị của người Anh ở Ceylon, và cũng do ảnh hưởng của các nhà truyền đạo người Hòa Lan và Bồ Đào Nha. Có rất nhiều Sadi nhưng không còn lại một vị tỳ kheo đã thọ đại giới với 227 giới luật nào – do đó không thể truyền giới cho người khác.
Một Sadi người Ceylon du hành qua Xiêm (Siam), là tên gọi của Thái Lan thời đó (hay "Siyama" trong tiếng Pali), để được thọ đại giới làm tỳ kheo. Rồi sau đó ông trở về Ceylon, thiết lập lại tăng đoàn vào năm 1753.
Chỉ có những người thuộc giai cấp cao quý nhất trong xã hội Ceylon, gọi là Goyigama, mới được phép thọ đại giới trong tông phái Siyam Nikaya. Gia đình của tôi, tuy nghèo, lại thuộc vào giai cấp này. Ở Ceylon, giai cấp không dựa vào sự giàu có, nhưng vào dòng dõi gia đình. Nhiều năm sau đó, một nhóm Sadi không thuộc dòng dõi Goyigama du hành đến Amarapura, ở Burma, và được thọ đại giới ở đó. Nhóm người này trở lại Ceylon và thành lập tông phái Amarapura Nikaya vào năm 1800. Tông thứ ba, thành lập vào năm 1810 bởi các tăng sĩ đã đến khu vực Ramanna của Burma, trở thành tông phái Ramanna Nikaya.
Lúc đầu giữa các tông phái có rất nhiều tranh chấp. Mỗi tông phái đều nghĩ rằng tông phái khác không gìn giữ các giới luật tăng đoàn nghiêm chỉnh đủ. Các tăng sĩ thuộc dòng Siyam Nikaya, thí dụ, cạo cả lông mày cũng như tóc. Tăng sĩ thuộc các tông phái khác thì không. Mặt khác, khi ra khỏi chùa, tăng sĩ thuộc tông phái Siyam được phép để một vai trần khi họ quấn y quanh mình. Tăng sĩ thuộc các tông phái khác thì phải che phủ cả hai vai.
Sư phụ của tôi, sư Sonuttara, thuộc về tông phái Siyam Nikaya. Thầy của ông là một thành viên của hội đồng chứng minh cao nhất của tông phái này, hoà thượng Pahamune Sumangala.
Năm 1911, lúc thầy tôi được hai mươi lăm tuổi, ông được gửi đến trông coi một ngôi chùa ở làng Malandeniya. Lập tức vị sư trưởng ở một chùa trong làng kế bên, Kebilitigoda, không bằng lòng. Ngôi chùa ở Kebilitigoda đã có mặt hơn mười năm trước khi thầy tôi đến Malandeniya. Dù thế, vị sư trưởng này cũng ganh tỵ với thầy tôi, vì thế ông khiếu nại ra luật pháp rằng ngôi chùa mới đó thuộc quyền sở hữu của ông. Do đó, thầy tôi phải đến đảnh lễ và thăm viếng vị sư ở Kebilitigoda mỗi ngày để tỏ lòng kính trọng.
Thì ra, vị sư ở Kebilitigoda là đại đức Sumanatissa, là người đã truyền giới sadi cho tôi năm tôi mười ba tuổi. Ông cũng có thể "khiếu nại" rằng tôi là đệ tử của ông, nhưng ông không làm thế. Tôi đoán có lẽ lúc đó tôi không có dấu hiệu gì là một tăng sĩ có nhiều triển vọng.
Qua thời gian, sự hiềm khích giữa hai chùa càng tăng lên. Và đến thời điểm tôi thọ đại giới năm 1947, tôi bị vướng vào cuộc tranh chấp này.
Theo truyền thống, khi một sadi sắp thọ đại giới, thông báo về buổi lễ được gửi đến cho bạn bè, người thân, các vị tăng sĩ ở chùa, và tất cả những chùa mà người sadi đó đã từng lưu trú. Tờ thông báo được in trên giấy rẻ tiền rồi được gửi hay đưa tận tay.
Thầy hiệu trưởng trường Phật học viết tờ thông báo cho tôi, và theo truyền thống, tôi phải mang về cho thầy tôi ký. Nhưng vì lý do gì đó, sư Sonuttara ngại ngùng khi phải ký tên ông như là trụ trì chùa ở Malandeniya.
“Nhưng sư bắt đầu ở chùa này từ năm 1911,” tôi nói. “Sư đã gầy dựng nó và sư là vị tăng sĩ duy nhất sống ở đây. Còn ai có thể là trụ trì của chùa?”
Sư Sonuttara không nói gì nhưng cuối cùng ông cũng ký tờ giấy. Tôi làm nhiều bản copy và tự tay mang tờ đầu tiên đến cho đại đức Sumanatissa, vị thầy đầu tiên của tôi, ở ngôi chùa trong làng kế bên. Ngay khi vừa thấy chữ ký của sư phụ tôi như là trụ trì của ngôi chùa kia, ông nổi giận.
“Đại đức Sonuttara không phải là trụ trì ở chùa đó,” ông la to. “Tôi mới là! Và tôi cũng không có tên trong danh sách các sư phụ của thầy.”
Ông lập tức đi ra trụ sở của tông phái Siyam Nikaya ở Kandy và yêu cầu hoãn buổi lễ thọ giới của tôi lại. Sư phụ và tôi cảm thấy bàng hoàng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị cho buổi lễ, hy vọng rằng sự tranh chấp bằng cách nào đó sẽ được giải quyết.
Vào đêm trước lễ thọ đại giới của tôi, theo tục lệ, người dân làng Malandeniya đã sắp xếp một nghi thức trọng thể và một buổi tiếp đón ở chùa dành cho tôi. Mặc dầu đại đức Sumanatissa đe doạ sẽ cản trở buổi lễ, nó vẫn được diễn ra mà không có vấn đề gì.
Ngày hôm sau, 25 tháng 6, chúng tôi đến Kandy. Nghi lễ thọ giới sẽ được tổ chức trong sima, một tòa thánh trong khuôn viên của trụ sở tông phái Siyam Nikaya. Vào ngày đó, hai mươi sáu vị sadi, kể cả tôi, được chuẩn bị để thọ đại giới. Bạn bè, người thân và những người đến chúc phúc đã có mặt ở sima.
Như tôi đã lo ngại, đại đức Sumanatissa không để yên cho việc này. Ông đã đệ đơn chính thức khiếu nại, chống lại sự thọ giới của tôi, vì ông, chứ không phải sư phụ tôi, là trụ trì của chùa ở Malandeniya. Vì thế, sư phụ tôi không có quyền ký tên vào giấy chứng nhận thọ giới của tôi với tư cách là “sư trưởng.” Đại đức Sumanatissa nhất quyết rằng sư phụ tôi chỉ được ký tên với tư cách là vị "sư thường trú" tại chùa.
Sư phụ tôi, sư Sonuttara, là người ít học, không rành chữ nghĩa. Ông rất sợ phải chống đối với bất cứ vị sư nào trưởng thượng hơn. Nhưng trên tất cả, ông không muốn sự tranh chấp này sẽ phá hỏng cơ hôi được thọ giới của tôi. Tôi rất giận đại đức Sumanatissa, một phần vì ông quá khó khăn với sư phụ tôi, phần vì ông đã muốn làm hỏng một ngày quan trọng nhất trong đời tôi. Tôi cảm thấy tính chính trị trong tất cả mọi thứ thật là kinh khủng, nhưng tôi không thể làm được gì hơn.
Không một lời cãi vả, sư phụ tôi ký vào giấy chứng nhận theo như đại đức Sumanatissa yêu cầu, với mấy chữ 'sư thường trú' cạnh bên tên ông.
Vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu, hai vị sư huynh vận y cho tôi toàn trắng, với một cái mũ giống như vương miện trên đầu. Nếu người sắp thọ giới có bà con hay người bảo trợ giàu có, thì có thể cưỡi voi, một biểu tượng của sự oai nghiêm và đẳng cấp. Vị đó cũng có thể có hàng trăm người đi theo, đánh trống, thổi kèn, sáo, và nhảy múa. Vì gia đình tôi không giàu có, nghi lễ dành cho tôi đơn giản hơn.
Trong lúc tôi đang thay y áo, bà con họ hàng và các thầy của tôi đã chuẩn bị sẵn những mâm quà cho các thành viên của hội đồng chứng minh. Mỗi mâm gồm có trầu cau để ăn, thuốc để hút, một cái khăn lông, một bánh xà bông, kem đánh răng, bàn chải đánh răng làm từ những cọng cỏ nhỏ và một hộp bánh.
Có khoảng hai mươi vị chức sắc đến dự: hòa thượng trưởng môn của tông phái Siyam Nikaya; hai thị giả của ngài, cũng là những người cao hạ, uy nghi; một tăng sĩ thư ký, người quản lý mọi giấy tờ trong tông phái; và mười sáu người khác. Theo một tôn ti trật tự rất khắt khe, tôi phải đến lễ mỗi vị sư ở thất của họ, theo thứ tự, và dâng cúng cho họ những mâm quà. Nghi lễ này kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ.
Mặc dầu có vẻ rườm rà, nhưng mỗi vị sắp thọ giới trọng, phải thọ giới sadi trở lại và mặc chiếc y mới màu vàng chói trong những giờ phút cuối cùng, trước khi người đó trở thành một vị tỳ kheo. Điều đó nhắc nhở người sắp thọ giới, một lần nữa, về sự từ bỏ cuộc sống vương giả của thái tử Siddhattha, chỉ quấn quanh người Ngài một mảnh vải màu vàng khi Ngài bắt đầu cuộc sống không nhà. Nó cũng được dùng để "lau sạch mọi tội lỗi" trong trường hợp người sắp thọ giới đã phạm lỗi gì trong giai đoạn làm sadi, và đã không kịp sám hối với sư phụ của mình.
Khoảng sáu giờ chiều, buổi lễ bắt đầu.
Một sợi dây ngăn tòa sima làm hai- một bên dành cho quý sư, bên kia cho cư sĩ. Phía bên cư sĩ thì đông nghẹt với hàng trăm khách khứa ồn ào. Trẻ con đùa giỡn, em bé khóc lóc, và người lớn trò chuyện cười đùa.
Ở cuối phòng họp là một tượng Phật to lớn. Tượng Phật được đặt trên một bàn thờ gỗ đen đã tróc nước sơn, tràn đầy những đèn cầy dâng cúng và đèn đất nhỏ, các lư hương ngun ngút khói, các bình hoa, các ly nhỏ chứa đầy nước trái cây, nước trà hay nước lã. Một mâm đựng những trầu cau theo truyền thống. Một đôi đèn dầu bằng đồng to được đặt hai bên hông bàn thờ, chiếu ánh sáng lung linh trên khuôn mặt trầm tĩnh của Đức Phật.
Ngồi bên phải bức tượng là vị thượng tọa trưởng môn, hai bên là hai thị giả. Các vị tăng khác trong hội đồng chứng minh ngồi trên sàn gỗ, hai hàng đối mặt nhau.
Các sadi chúng tôi được dặn phải ngồi trên sàn nhà theo thứ tự tuổi tác. Còn sáu tháng nữa mới được hai mươi tuổi, tôi là người trẻ nhất. Một sadi ít nhất phải hai mươi tuổi mới được thọ giới trọng, nhưng vì tôi đã hoàn tất mọi điều kiện khác, tôi được thọ giới sáu tháng sớm hơn.
Đầu tiên là một cuộc sát hạch bằng miệng, qua đó một vị sư cao niên sẽ hỏi các sadi, từng người một, tụng lại các kinh và trả lời câu hỏi. Người giám khảo buổi chiều hôm đó là vị sư cao niên cấp bậc thứ hai, một người được biết là rất khắt khe. Cách của ông là đọc một dòng đầu tiên trong các kinh Phật, rồi yêu cầu người sắp thọ giới phải hoàn tất bài kinh.
Phần đông các sadi khác chỉ thuộc các đoạn kinh bắt buộc. Còn tôi, với trí nhớ như in và lòng muốn chứng tỏ sự vượt trội, đã học thuộc lòng nhiều hơn. Dầu thế, trước đám đông tôi cũng rất run.
Cuối cùng, sau hai mươi lăm vị sadi khác, cũng đến phiên tôi. Vị giám khảo đã làm việc hơn một tiếng rưỡi rồi và ông có vẻ mệt nhoài.
Ông yêu cầu tôi đọc một đoạn trong kinh Pháp Cú. Tôi hít một hơi thở sâu, nhắm mắt lại và đọc một mạch không ngừng tám đoạn kinh.
"Thôi đủ rồi,” vị giám khảo nói. "Thầy rất thuộc bài."
Kế tiếp, mỗi sadi phải được chấp nhận một cách chính thức là người sẽ được thọ giới. Giống như các sadi trước tôi, tôi đứng dậy và đến trước một trong các vị sư chứng minh. Ông hỏi tôi theo như thể thức bắt buộc: tên tôi; giới tính; tên cha mẹ; tên sư phụ; tôi có bệnh truyền nhiễm gì không; tôi có ở trong quân đội hay là một người thường dân; và cả câu hỏi về tôi là người hay ma quỷ.
Trong khi phần lớn chỉ là hình thức, những câu hỏi này nhằm xác nhận rằng, tôi không phải là một kẻ tội đồ đang tìm cách trốn tránh pháp luật bằng màu áo người tu. Câu hỏi về bệnh truyền nhiễm để chắc chắn rằng tôi không có những chứng bệnh có thể lây lan cho cộng đồng các tăng sĩ. Những câu hỏi khác, hơi kỳ hoặc, là những câu hỏi truyền thống đã có từ thời Đức Phật.
Sau khi tôi đã trả lời tất cả các câu hỏi, vị sư tuyên bố với vị trưởng môn rằng tôi hội đủ điều kiện để được truyền giới. Tôi quỳ trước vị trưởng môn và đảnh lễ, chạm trán xuống sàn nhà trước mặt ông ba lần. Lần nữa, tôi lại trả lời một số câu hỏi, lần này cho vị trưởng môn nghe.
Sau đó tôi được dạy ngồi xuống với các sadi khác. Hai vị sư thuyết giảng cho chúng tôi nghe về sự quan trọng của 227 giới mà chúng tôi phải tuân giữ sau khi thọ giới, nhấn mạnh đến bốn giới trọng: không dâm dục; không lấy bất cứ gì không phải là cho mình; không sát hại; và không khoe khoang về các khả năng siêu nhiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng được nhắc nhở về việc vun trồng tâm xả đối với bốn vật dụng mà các cư sĩ cúng dường: y áo, thực phẩm, nơi ở và thuốc men. Tất cả những lời khuyên này đều xuất phát từ những lời dạy ban đầu của Đức Phật đối với đệ tử của Ngài.
Cuối cùng, với chiếc bình bát mới tinh đeo trên cổ, chúng tôi đảnh lễ từng vị sư trong hội đồng chứng minh, bắt đầu từ vị trưởng môn. Sau đó chúng tôi ngồi xuống thành hàng dài, và tất cả các cư sĩ xếp hàng đến cúng dường vật dụng cho chúng tôi. Đây là phần vui nhất của buổi lễ. Nó nhấn mạnh đến sự tương quan tùy thuộc giữa tăng đoàn và cư sĩ. Nhiều cư sĩ khóc khi họ vái chào và đặt đồ cúng dường của họ trước mặt chúng tôi.
Nghi lễ cúng dường là một trong những nét văn hóa trong Phật giáo, nhưng đôi khi bị hiểu lầm bởi người ngoại đạo cho rằng tăng sĩ là những hành khất lười biếng, được đám đông khờ dại hỗ trợ. Thật ra, điều đó hoàn toàn ngược lại: người cho cũng nhận được nhiều như, nếu không nói là hơn, người nhận vì họ đã thực hành hạnh bố thí, hay sự rộng lượng.
Bất cứ ai cúng dường cũng là đang thực hành tâm rộng lượng. Đức Phật dạy rằng cách thực hành này là một phương tiện thiện xảo để đoạn diệt lòng tham chấp. Trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật đã khuyến khích các Phật tử thực hành hạnh bố thí bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào có thể:
NHƯ MỘT BÌNH CHỨA NƯỚC ĐẦY,
NẾU DỐC NGƯỢC BÌNH,
TẤT CẢ NƯỚC CHẢY RA
KHÔNG GIỮ GÌ LẠI CẢ.
HƠN THẾ NỮA, NẾU BẠN GẶP NGƯỜI CẦN GIÚP ĐỠ
DẦU Ở GIAI CẤP THẤP, TRUNG HAY SANG CẢ,
THÌ HÃY BỐ THÍ NHƯ CHIẾC BÌNH DỐC NGƯỢC
KHÔNG GIỮ LẠI GÌ CẢ.
Trong một bài thuyết giảng khác, Đức Phật dạy rằng có ba cách để tạo công đức. Ba cách đó là giữ giới, thiền định và bố thí.
Hình thức bố thí giữa người cư sĩ và tu sĩ gần giống như một sự hỗ tương lẫn nhau. Người cư sĩ cúng dường các vật dụng cần thiết để giúp vị tu sĩ có thể bước trên con đường đạo, mà không phải lo lắng về những vật dụng cần thiết. Đáp lại, người tu sĩ cầu an, cũng như thuyết pháp -là Pháp thí cho cư sĩ.
Trong buổi lễ thọ giới của tôi, khi các vật dụng cúng dường dần dần chất cao trên sàn nhà trước mặt tôi, tôi ngồi đó và tưởng nhớ đến mẹ. Tôi ước chi bà có thể chứng kiến buổi lễ này! Tôi biết nó có ý nghĩa xiết bao đối với bà, và nếu có bà ở đây thì nó cũng có ý nghĩa với tôi xiết bao. Nhưng vì lưng mẹ tôi bị chấn thương, bà không thể đi bộ hơn mười mấy cây số từ làng đến đây, và bà cũng không có phương tiện gì khác để có thể đến đây. Nếu bà có mặt ở Kandy ngày hôm đó, chắc chắn rằng bà sẽ khóc những giọt nước mắt vui mừng, thấy rằng đứa con trai út của bà, cuối cùng cũng đã trở thành một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật.
Comments[ 0 ]
Post a Comment