Ngày thứ sáu
Nhất tâm bất loạn
Hôm nay là ngày thứ sáu của khóa tu, cũng là ngày cuối cùng trong buổi nói pháp này, vì ngày mai là ngày tổng kết nên tôi có mấy lời để chia sẻ cùng quý vị hôm nay với chủ đề là “nhất tâm bất loạn”. Trong các kinh luận thường nói: “Do giới sinh định, từ định sinh huệ”. Cho nên, nhất tâm bất loạn là điều vô cùng trọng yếu đối với bất cứ chúng ta khi tu tập một pháp môn nào. Nhất tâm, theo Đại sư Liên Trì đời Minh nói: “Sự nhất tâm” và “Lý nhất tâm”. Tôi sẽ y cứ vào đây giải thích cho quý vị hiểu. Nhất tâm khác biệt với “duy nhất” và “thống nhất”, đến bất loạn cũng thế. Có hai là “tịnh trung bất loạn” và “động trung bất loạn”.
1. Sự nhất tâm Đây là cách dụng công tu hành rất thực tế, đạt đến trình độ nhất tâm bất loạn. Khi trì danh niệm Phật mà đạt đến nhất tâm bất loạn thì phải qua các thứ lớp sau:
* Miệng niệm danh hiệu Phật, tai nghe phải tương ưng kết hợp cho tương ưng. Thân và tâm cũng thế chẳng lìa nhau. Miệng niệm tai nghe, tâm phải sáng suốt nhận biết từng câu niệm. Phương pháp dụng công này dần dần đưa quý vị đạt đến trình độ mỗi niệm phân minh. Có thể mỗi danh hiệu Phật, mỗi chữ, mỗi âm tiết khi niệm lên là tâm quý vị nghe rất rõ ràng chẳng hề xen tạp một vọng tưởng nào vào.
* Tiếp theo là không nhớ chuyện quá khứ. Khi ngồi vào công phu thì quý vị chẳng nên hồi tưởng chuyện quá khứ đã qua. Đến ngay việc trì niệm danh hiệu Phật cũng thế, mỗi câu Phật hiệu đi qua cũng không được hồi tưởng, phải sáng suốt trong từng câu Phật hiệu vừa khởi lên ngay trong hiện tại. Bởi vì mỗi vọng tưởng đi qua đều chẳng thật quý vị chú ý điều này. “Vị lai chẳng mong”, việc chưa đến thì chẳng có mong đợi, chẳng có bận tâm lo lắng suy nghĩ. Khi quý vị chưa trì niệm danh hiệu Phật, tối ngày vọng tưởng lăng xăng, quý vị đâu để ý đến. Tại sao khi mình ngồi tu niệm Phật chỉ một câu Phật hiệu sáu chữ mà đủ thứ vọng tưởng xen vào? Quý vị phải làm gì đây? Mình không chú ý đến vọng tưởng, khi vọng tưởng đến hay đi mình chẳng trụ, chẳng dính mắc vào mà chỉ tỉnh giác duyên vào một câu Phật hiệu thì tất cả các vọng tưởng kia dần sẽ hết.
* Thường người niệm Phật, không có vọng niệm thô cũng có vọng niệm tế phân biệt “tôi đang niệm danh hiệu Phật”. Đây là ý thức phân biệt. Tôi là năng niệm, danh hiệu Phật là sở niệm, đó cũng là vọng tưởng. Chúng ta càng công phu càng tiến lên thì chẳng có phân biệt tôi là năng niệm, Phật là sở niệm. Ý thức vừa khởi phân biệt mình phải tỉnh giác để tu tập. Có nhiều người khi tu, thấy mình có tu, người khác không tu hoặc tu không bằng mình, đây là tâm phân biệt. Nếu quý vị không tỉnh biết thì càng tu càng ngạo mạn, nhân ngã… Cho nên, người niệm Phật tức là “năng” danh hiệu Phật là “sở”, năng sở hợp thành một. Khi ấy, thâu nhiếp cả ba là: Căn, trần, thức đưa đến nhất tâm.
Khi một hành giả đạt đến trình độ nhất tâm là có thể nói là: “Niệm mà chẳng niệm”, nghĩa là vẫn niệm nhưng chẳng có thêm vào một ý niệm là có ta đang niệm. “Chẳng niệm mà niệm”, lúc này, danh hiệu Phật cứ tuôn chảy tự nhiên như dòng thác mà chẳng gián đoạn. Do đó, quý vị thấy căn bản của nhất tâm là không có tâm phân biệt “niệm” hay “không niệm”, “phân minh” hay “không phân minh”. Khi tu tập, tránh trường hợp thấy mình niệm Phật rất hay rất tốt, không có vọng niệm, đây chẳng phải là nhất tâm mà là loạn tâm. Vì sao vậy? Vì họ còn có cảm giác, còn có cảm giác mình niệm rất tốt!
Có người hỏi nhất tâm có khác biệt với vô ký không?
Đáp: Nhất tâm do từ tán tâm, sau đó đi vào chuyên tâm, vượt ý niệm thời gian không gian mà thể nhập vào. Còn trạng thái vô ký từ hôn trầm tán loạn mà sinh ra. Khi đạt vào “nhất tâm”, ý niệm lúc đó vượt thoát thời gian không gian, danh hiệu Phật rõ ràng minh bạch không gián đoạn, không xen tạp phân biệt “trước sau”, “năng sở”. Còn vô ký thì như đi vào cơn đại mộng, khi tỉnh ra mêng mang chẳng biết ở chỗ nào.
* Tiếp theo, người công phu để dần đi vào nhất tâm bất loạn, cần phải áp dụng những phương pháp sau: phải nghiêm trì giới luật gìn giữ oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống sinh hoạt, công tác… chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật dần sẽ đi vào trình độ nhất tâm.
Khi quý vị công phu niệm Phật đến lúc thuần thục sâu dầy, lúc ấy, trong tâm hoàn toàn chứa A-di-đà Phật thì mọi cử chỉ sinh hoạt hằng ngày khi mắt, tai, mũi, lưỡi tiếp xúc thì ý đều khởi thành câu A-di-đà Phật. Như khi tai nghe tiếng gió, nghe tiếng mưa rơi thì âm thanh đó đều chuyển thành danh hiệu A-di-đà Phật. Dù ngoại cảnh chuyển biến đổi dời, những cảnh trần đến đi cũng đều là Thánh hiệu A-di-đà Phật. Có một vài Phật tử ở đạo tràng này, khi công phu niệm Phật thuần thục, có khi bị người khác gây chuyện, chửi mắng gây sự, nhưng trong miệng lúc nào cũng A-di-đà Phật, đây là do họ đã trải qua quá trình công phu huân tập việc trì danh hiệu rất nhiều. Cho nên, dù gặp cảnh thuận hay nghịch, câu danh hiệu đó chẳng có xa rời họ. Quý vị tu tập sao mà khi gặp những nghịch cảnh mà mình chẳng quên câu Phật hiệu như thế thì thật là tốt.
Quý vị tinh tấn tu trì làm sao trong ý luôn luôn vang câu Phật hiệu. Kể cả lúc sinh hoạt quét nhà, lúc đi bộ… đều là câu Phật hiệu, trong mỗi bước chân, trong mỗi cử chỉ động tác như thế mới tốt.
Có người hỏi rằng: Hai chữ “duy nhất” và “thống nhất” khác nhau chỗ nào?
Đáp: “Duy nhất” là do tác ý mà chuyên trì niệm danh hiệu Phật, còn “thống nhất” tự nhiên mà thành chẳng có khởi niệm tác ý để niệm mà câu Phật hiệu đến lúc này như dòng thác tuôn chảy trong tâm quý vị. Dù ở trong cảnh động hay tịnh đều đạt thống nhất chẳng bị phiền não khuấy nhiễu, vì phiền não đều từ vọng tưởng mà khởi.
Vừa rồi, tôi có trình bày qua cho quý vị nắm về việc nhất tâm. Muốn được nhất tâm thì mỗi chúng ta phải chân thật tu hành mới thể nhập vào trình độ nhất tâm này được.
2. Lý nhất tâm: Do giải ngộ Phật lý mà biết vạn pháp vốn là nhất tâm.
1. Lý nhất duyên khởi: Tất cả cảnh tướng biến hóa sinh diệt đều do các duyên hòa hợp mà có, do nhân duyên sinh cũng do nhân duyên diệt, biến chuyển liên tục, vô thỉ, vô chung không đầu không cuối. Bởi vì một pháp sinh khởi tức là thâu nhận tất cả pháp giới, cho nên nói: “Một tức tất cả, tất cả tức là một”. Kinh Hoa nghiêm gọi là “nhất chân pháp giới”. Mọi pháp xuất phát từ một tâm niệm.
2. Lý duy thức: Sinh ra tất cả cảnh tướng mà quý vị nhìn thấy, đều do tâm phân biệt mà có, cả những việc thấy nghe đều qua ý thức mà có tên. Kinh nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Vì vậy, tất cả các pháp, nhân nơi phân biệt mà có, tất cả cảnh giới trong vũ trụ đại địa xưa nay chẳng ra ngoài “một tâm niệm”.
Vừa rồi, tôi nói qua cho quý vị biết về lý nhất tâm, do nhất tâm thì sự chẳng loạn, bởi vì loạn là do nhân mâu thuẩn mà sinh ra, khi đã nhất tâm thì đương nhiên chẳng có mâu thuẩn.
3. Bất định bất loạn: Kinh Bát-nhã nói: “Bất loạn thì bất muội, đầy đủ thiền Ba-la-mật”. Nghĩa là bất loạn thì chẳng có hôn trầm, cũng chẳng tán loạn. Bất muội là chẳng chấp vào cảnh định hay cảnh vui, buồn được mất. Từ nơi lý mà nói thì tất cả các pháp vốn là bất định và bất loạn. Bởi vì chư hành là vô thường, các tướng sinh diệt tương tục cho nên gọi là bất định. Do duyên hợp hỗ tương nhau mà thành cho nên nói bất loạn. Từ lý bất định bất loạn mà khởi tu mới đầy đủ thiền Ba-la-mật.
Biết tất cả các pháp là bất định, bất loạn mới ngộ được Thật tướng. Thí như, trong lục phủ ngũ tạng của con người, chẳng rối loạn thì khí huyết mới lưu thông vận hành; tim, phổi phải hô hấp mới giúp cơ thể vận hành đem lại sự sống. Nếu dừng lại thì con người chết, hoặc như thân thể mỏi mệt thì dẫn đến bệnh tật. Cho nên, chúng ta biết vũ trụ và con người chẳng có bất định, bất loạn. Tất cả vì do nhân duyên hòa hợp nên biến hóa liên tục, thế mới có sự tiến hóa được. Khi quý vị nhận ra được điều này thì rõ được con đường tu tập của mình, nhất định sẽ tiến bộ rất nhanh.
4. Loạn từ “ngã”mà sinh: Kinh nói rằng: “Chư Phật thường ở trong định trong mỗi thời khắc”. Đức Phật sinh hoạt cũng giống như chúng ta, là ăn uống, đi đứng, nằm ngồi. Nhưng những lời dạy của Phật thì trước sau không mâu thuẩn, không có phân biệt “niệm trước niệm sau”, cho nên thường định mà chẳng loạn. Chúng sinh tâm loạn là lúc nào cũng nghĩ đến chuyện tự tư, tự lợi, thường vì lợi mình mà tâm phan duyên tạo tác, so đo tính toán được mất hơn thua. Tục ngữ có câu: “Đời người sống chẳng đến trăm tuổi, nhưng thường lo đến chuyện ngàn năm”. Cho nên, những chuyện quá khứ, vị lai chẳng buông xuống nên tâm luôn bất an. Khi tâm bất an thì thấy khổ. Do khổ nên đi tìm cầu giải thoát, nỗ lực niệm Phật, ngồi một chỗ niệm Phật, nhưng thực tế đó là “ngã”. Nói một cách dễ hiểu, do bị khổ bị loạn mà tu hành, căn nguyên đều từ ngã chấp. Nếu chứng đắc được “lý vô ngã” thì động tịnh, được mất chẳng có liên cang gì cả. Lúc này gọi là vô tâm là chân định.
Sách Chứng Đạo Ca của Thiền sư Vĩnh Gia có câu: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên”. Nghĩa là: “Trong mộng lao xao bầy sáu nẻo, tỉnh ra bằng bặt chẳng ba ngàn”. Khi một người tỉnh giác, thì tất cả lợi danh thế gian chỉ là giấc mộng. Khi biết đó là mộng thì họ giành nhiều thời gian vào việc tu để cầu giải thoát giác ngộ. Nhưng người chưa tỉnh, lại cần phải dũng mãnh tinh tấn, nếu không tu hành thì chẳng có thể giác tỉnh. Vì vậy, theo lý nhất tâm mà nói, điều tối quan trọng là trừ đi ngã chấp, mới cùng với vũ trụ tương ưng với nhất tâm được.
5. Nhất tâm của thế gian: Nghĩa rộng của việc tu hành là đem lý tưởng cao cả thiết thực vào trong đời sống sinh hoạt. Ngoài phương pháp trì danh hiệu Phật còn phải rộng tu các công hạnh khác, phải góp phần xây dựng cuộc sống hiện tại cho tốt đẹp. Sau đây, tôi sẽ trình bày cho quý vị thấy tuần tự theo cái nhìn nhất tâm ở thế gian:
a. Tư tưởng có hệ thống
b. Cuộc sống có mục tiêu
c. Việc làm, hành vi có quy củ
d. Làm việc phải có thứ lớp, có mở đầu.
Ở đâu cũng có nguyên tắc, thân tâm phải an thuần, cuộc sống có quy luật thì chẳng dẫn đến chuyện nhiễu loạn. Con người và xã hội thời nay sống hỗn loạn, mất trật tự do những việc như sau:
– Tư tưởng tạp loạn, nói năng không nghiêm túc.
– Cuộc sống không có mục tiêu, việc làm không chân chánh.
– Chẳng tin nhân quả, không tôn trọng luân lý đạo đức, làm những việc sai trái mất đạo đức.
– Làm việc thì vội vã, mong nhanh kết quả, công việc chẳng theo thứ lớp. Do tâm người bất an thì làm sao xã hội an được. Như thế làm sao tương ứng với lý nhất tâm được?
Tôi nói sơ lược cho quý Phật tử thấy, chúng ta là một hành giả tu Tịnh độ thì phải làm gì?
* Điều quan trọng đầu tiên phải lấy Tín–Nguyện để vãng sinh. Tiếp theo, khi thành tựu được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác là mục tiêu vô cùng cần thiết đối với sinh mạng mình.
* Do thâm nhập kinh tạng, thân cận Thiện trí thức, thành tựu được chánh tri chánh kiến.
* Tin sâu nhân quả và định luật nhân quả báo ứng thiện ác, tôn trọng và tuân theo giới luật Phật đã chế, thực hành phước huệ song tu.
* Làm việc và tu hành đều nên sáng suốt dựa theo thứ tự xưa nay mà làm, đặc biệt khi còn trong nhân địa phải dũng mãnh nỗ lực làm tất cả những việc thiện, tu tập chứa nhóm công đức, không đem tâm tính toán so đo được mất và mong cầu quả vị cao thấp. Đây mới đúng thật là định chân chánh. Dù có phong ba bão tố, nhưng quý vị vẫn giữ vững mục tiêu lý tưởng tu tập, vững lập trường mà tiến tu không dừng lại, không thối thất, đó mới đích thật là một hành giả tu Tịnh độ dũng mãnh đầy đủ Tín–Nguyện–Hạnh.
Thưa toàn thể quý vị Phật tử tham dự trong khóa tu này! Hôm nay, chúng ta bước vào ngày thứ sáu của khóa tu, ngày mai là ngày cuối cùng, chẳng biết quý Phật tử đây mỗi vị qua thời gian tu vừa rồi có thành tựu được công phu tu tập như thế nào. Riêng tôi thấy, việc thành tựu hay không đối với tôi là việc không quan trọng, tại vì tu hành chẳng phải một ngày một đêm hoặc là bảy ngày bảy đêm. Việc này, là đời này thậm chí nhiều đời nhiều kiếp. Dù thời gian bao lâu chúng ta không cần biết, điều quan trọng là dù thế nào vẫn giữ niềm tin vững chắc, làm thế nào giữ được lời thệ nguyện kiên cường, đó mới là điều vô cùng quan trọng. Chỉ mong toàn thể quý Phật tử có nhân duyên tham dự khóa tu Phật thất khi kết thúc, quý vị phải về lại với cuộc sống xã hội, thì mỗi vị phải hiểu rõ cương vị của mình sống và tu tập sao để làm cho mình đứng vững và ổn định. Xã hội khoa học văn minh vật chất càng tiến bộ thì càng làm cho tâm người bất an lo sợ, thì một Phật tử và nhiều người Phật tử cùng có Tín–Nguyện như nhau sẽ góp phần thêm ánh sáng Phật pháp vào trong thế gian để xóa tan đi những vô minh phiền não do con người gây ra, hoặc do sức tu hành của đại chúng biến thế giới ô trược này trở nên trong lành, thì chính là lòng đại bi của Phật A-di-đà nhiếp thọ tất cả chúng sinh.
Cuối cùng, xin cầu chúc toàn thể hội chúng tinh tấn tu tập và thành tựu sự nghiệp giải thoát!
A-di-đà Phật!
Comments[ 0 ]
Post a Comment