Trước khi khởi sự tu tập để phát huy lòng từ bi và tình thương, cũng cần nên tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ ấy là gì? Bằng những ngôn từ đơn giản, ta có thể định nghĩa từ bi và tình thương là những ý nghĩ và xúc cảm mang tính cách tích cực đem đến những giá trị thiết yêu, chẳng hạn như hi vọng, lòng can đảm, quyết chí và sức mạnh nội tâm. Phật giáo xem từ bi và tình thương là hai dạng thể khác nhau phát sinh từ một sự hiển lộ chung: từ bi là ước vọng nhìn thấy chúng sinh không còn khổ đau nữa, và tình thương là ước vọng mong muốn chúng sinh được hạnh phúc.
Tiếp theo đó thì có lẽ chung ta phải tự hỏi rằng việc vun xới
tình thương và lòng từ bi có thể thực hiện được hay chăng? Nói mách khác, có phương thức nào để làm gia tăng các phẩm tính ấy và đồng thời làm suy giảm sự nóng giận, hận thù và ganh tị hay không? Tôi sẽ nhất định trả lời là : “Có” mà không do dự một chút nào cả. Dù ngay trong lúc này đây, nếu quí vị không đồng ý với tôi đi nữa thì cũng xin quý vị hãy tạm thời đừng chống lại quan điểm ấy. Trước hết chúng ta hãy cùng nhau nêu lên một vài kinh nghiệm làm thí dụ: rồi biết đâu sau đó chúng ta sẽ cùng tìm ra một lời giải đáp chung cho vấn đề trên đây.
Trước nhất, phải hiểu rằng hạnh phúc và khổ đau gồm hai thể dạng căn bản: tinh thần và thể xác. Đối với phần đông chúng ta, dạng thể tinh thần tác động mạnh mẽ hơn. Vật chất giữ một vai trò kém hơn, ngoại trừ trường hợp đang đau ốm trầm trọng hoặc đang trong hoàn cảnh cùng quẫn đến tột độ. Trong những lúc thân xác không đòi hỏi gì cả, có thể ta không chú ý đến nó làm gì. Ngược lại, tâm thức thì lúc nào cũng ghi nhận tất cả, kể cả những biến cố thật nhỏ nhặt. Vì thế, phát động nghị lực làm cho tâm thức lắng xuống là một việc khó khăn hơn nhiều so với những lo toan tìm cách cung phụng tiện nghi cho thân xác.
Tâm thức có thể cải biến được
Mặc dù kinh nghiệm của tôi còn hạn hẹp nhưng tôi vẫn tin rằng nhờ vào sự tập luyện đều đặn, ta có thể hoàn toàn biến cải được tâm thức. Cách cư xử, cũng như tư duy và xu hướng tích cực đều có thể làm cho gia tăng thêm, và ngược lại những gì tiêu cực hàm chứa trong ta đều có thể làm cho giảm xuống. Ý thức được điều đó sẽ giúp ta biến cải và thay đổi tâm thức. Sự thật đơn giản trên đây là những gì thuộc vào bản chất của tâm thức.
Cái mà ta gọi là “tâm thức” thật lạ lùng. Đôi khi nó rất bướng bỉnh và cưỡng lại mọi sự thay đổi. Tuy nhiên, nhờ vào sự cố gắng thường xuyên và niềm tin vững chắc dựa trên lý trí, tâm thức cũng có thể tỏ ra mềm dẻo và rất lương thiện. Khi ta nhận thấy cần phải thay đổi, lúc đó tâm thức cũng sẽ sẵn sàng thay đổi. Ước vọng suông hay biết đơn giản cầu nguyện sẽ không đủ sức làm cho tâm thức thay đổi; ta phải ghép thêm vào đó thành phần lý trí- tức là những gì dựa một cách thật vững chắc vào kinh nghiệm. Ta không thể nào biến cải tâm thức trong một sớm một chiều: thói quen lâu đời, nhất là những thói quen tinh thần luôn luôn cưỡng lại những giải pháp hời hợt. Những với sức cố gắng và lòng tin vững chắc xuất phát từ sự hiểu biết, những thể dạng tâm thần của ta có thể sửa chữa được một cách thật sâu xa.
Muốn thăng tiến, trước hết phải chấp nhận rằng khi vẫn còn sống trong thế gian này thì ta vẫn còn gặp khó khăn và các chướng ngại cản trở nguyện vọng của ta. Khi các khó khăn hiện ra khiến ta nhụt chí và mất hết hi vọng, lúc đó ta sẽ không còn khả năng nào để đối đầu với chúng. Ngược lại, khi đã hiểu rằng khổ đau không phải chỉ duy nhất dành cho riêng ta, mà đấy là số phận chung của mọi người, thì ta sẽ quyết tâm hơn và cảm thấy có nhiều khả năng hơn để vượt qua tất cả mọi chương ngại. Với tầm lòng từ bi sẵn có, ta ý thức được kẻ khác cũng khổ đau như ta, và lúc đó ta sẽ xử lý dễ dàng hơn những khổ đau của riêng mình. Đấy là cách thăng tiến trong sự tu tập, mỗi chương ngại đều là một cơ may quý giá giúp ta nâng cao giá trị của tâm thức và đồng thời cũng giúp ta củng cố thêm sự vững chắc của lòng từ bi! Mỗi một kinh nghiệm mới đều là một dịp may giúp ta tập luyện để trở thành từ bi hơn, điều đó có nghĩa là trong từng kinh nghiệm, ta lại cố gắng thêm để phát lộ lòng xót thương chân thật trước những khổ đau của kẻ khác và đồng thời làm gia tăng lòng quyết tâm của ta trong mục đích làm bớt đi khổ đau cho họ. Lòng từ bi nâng cao sự trong sáng và sức mạnh nội tâm của ta.
Làm thế nào để vun xới lòng từ bi
Chủ trương chỉ biết có mình là xu hướng chung của tất cả mọi người, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi, và chính xu hương ấy đã ngăn cản không cho ta yêu thương kẻ khác. Muốn thật sự hạnh phúc, ta cần phải có một tâm thức phẳng lặng, và sự an bình trong tâm thức đó chỉ có thể thực hiện nhờ vào lòng từ bi. Vậy làm thế nào để phát huy một thái độ như thế? Thật hết sức rõ ràng là không phải chỉ tin vào những lợi ích của lòng từ bi là đủ, hoặc chỉ biết say sưa với vẻ đẹp tuyệt vời của lòng từ bi là được! Muốn vun xới lòng từ bi, ta phải quyết tâm cố gắng lợi dụng tất cả mọi sự việc đang xảy ra vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống để tự biến cải tư duy và thái độ của mình.
Trước hết cần phải hiểu một cách chính xác ý nghĩa của chữ từ bi. Lý do là vì thật ra lắm khi cảm xúc về từ bi chỉ là những gì hàm chứa dục vọng và bám víu. Thí dụ, tình thương của cha mẹ đối với con cái không phải là từ bi theo đúng nghĩa của nó, bởi vì tình thương đó dễ bị nhầm lẫn với nhu cầu cảm xúc của cha mẹ. Thông thường, hành động chăm sóc của một người bạn thân thiết được xem là một nghĩa cử từ bi, nhưng thực ra lắm khi cũng chỉ là sự bám viu. Khi một cặp vợ chồng được kết hợp và cả hai chưa hiểu gì về tính tình của nhau, thì tình yêu lứa đôi lúc ấy chỉ là sự bám víu, không hẳn là tình yêu thật sự. Hơn nữa, trong trường hợp cuộc sống chung không kéo dài, thì đấy là do thiếu lòng từ bi mà ra: vì sự kết hợp lứa đôi chỉ là hậu quả của những cảm xúc sinh ra từ sự kiện bám víu vào những phóng ảnh của nhau và sự chờ đợi lẫn nhau; đến một lúc nào đó, khi những phóng ảnh biến đổi, bám víu cũng sẽ không còn. Sự ham muốn có thể quá mạnh khiến người mà ta bám víu có vẻ như không có một khuyết điểm nào cả, nhưng thật ra là nhiều lắm. Chính đó là dấu hiệu cho thấy tình yêu được thúc đẩy bởi nhu cầu cá nhân nhiều hơn là sự quan tâm thật sự đến người đối diện.
Tuy thế, việc biểu lộ lòng từ bi nhưng không hề bám víu vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, ta cần phải phân biệt thật rõ ràng giữa hai thứ tình cảm ấy. Từ bi đích thực không phải là một phản ứng của xúc cảm, mà là một hành vi dấn thân dựa một cách vững chắc vào lí trí. Lòng từ bi đích thực một khi đã được xây dựng trên nền móng vững chắc sẽ không biến đổi, dù cho người tiếp nhận lòng từ bi phản ứng một cách tiêu cực đi nữa. Lòng từ bi như thế mới đúng là lòng từ chân thành. Mục tiêu của người tu tập Phật giáo là phát huy lòng từ bi chân chính và mong ước đem đến an vui cho kẻ khác, và kẻ khác ở đây có nghĩa là tất cả chúng sinh trong vũ trụ. Ta cũng thấy ngay rằng vun xới lòng từ bi như thế thực sự không phải là chuyện dễ làm! Vì vậy chúng ta nên quán xét những điều sau đây thật cẩn thận.
Dù cho những người chung quanh xinh đẹp hay tầm thường, khả ái hay độc ác, tất cả đều là những con người như ta. Cũng như ta, họ muốn được hạnh phúc và không muốn gánh chịu đau đớn. Hơn nữa, quyền được hạnh phúc và tránh khổ đau của họ cũng ngang hàng với ta. Hành vi biết công nhận tất cả mọi con người đều ngang hàng với nhau trong ước vọng tìm được hạnh phúc và có quyền ngang nhau để thực hiện điều ấy sẽ giúp ta phát lộ dễ dàng tình thân thiện giữa họ và ta. Khi đã tập luyện và quen dần với tinh thần nhân ái toàn cầu đó, ta sẽ nhận thấy đấy chính là trách nhiệm chung cho tất cả mọi người, và ta sẽ cố gắng tích cực hơn để igups đỡ kẻ khác giải quyết những khó khăn của họ. Trách nhiệm đó không mang tính cách chọn lựa, nhưng trải rộng đồng đều và hướng và tất cả chúng sinh. Dầu sao đi nữa thì học cũng như ta, tất cả đều bị chi phối bởi nhu cầu hạnh phúc và e sợ khổ đau, không có một căn bản hợp lý nào để cắn cứ vào mà loại trừ hay ruồng bỏ bất cứ ai dù cho họ hành động không được đúng đi nữa.
Tôi muốn dựa vào những điều trình bày trên đây để nhận mạnh đến trường hợp một số người tự nhận thuộc loại thực tế và chủ trương tính cách thực dụng trong sự sống, nhưng thật sự thì họ lại thường tỏ ra thực tế một cách quá lố và chỉ nhìn thấy khía cạnh thực dụng của mọi sự vật. Thật vậy, họ thường nói: “Việc ước mong tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc và mỗi chúng sinh sẽ đều tìm thấy hạnh phúc đúng như mình mong muốn chỉ là điều không thể thực hiện được. Lý tưởng ấy chắc chắn là sẽ không đem đến hiệu quả gì cho tâm thức, cũng không giúp ích được gì hơn cho sự tu tập tinh thần, vì nó hoàn toàn mang tính không tưởng”.
Theo họ, trong bước đầu chỉ cần quan tâm đến một nhóm người thu hẹp vì sự liên hệ trực tiếp sẽ dễ thực hiện hơn. Sau đó, sẽ nới rộng chu vi tiếp cận và gia tăng thêm các yếu tố khác. Đối với họ, thật là vô bổ khi nghĩ đến con số vô lượng chúng sinh. Họ có thể miễn cưỡng chấp nhận sự liên hệ giữa họ và một số đồng loại sinh sống trên hành tinh này, nhưng khi nói đến vô lượng chúng sinh trong vũ trụ thì quả thật là những vượt quá xa, thoát ra khỏi lĩnh vực kinh nghiệm của họ. Họ sẽ thốt lên :” Có lợi ích gì đâu khi chủ trương một tâm thức mở rộng đến tất cả mọi sinh linh”.
Có thể trong những bối cảnh khác, may ra quan điểm trên đây có một giá trị nào đó. Nhưng trong trường hợp đang bàn thảo, chúng ta cần phải nắm vững tác động của những hành vi nhân ái. Mục đích là mở rộng chu vi của lòng nhân từ, làm sao có thể trải rộng đến tất cả mọi hình thức của sự sống biết cảm nhận khổ đau và hạnh phúc. Chính đó là cách công nhận sự nhạy cảm nơi mọi sinh vật trước khổ đau và hạnh phúc.
Xúc cảm về lòng từ bi toàn cầu rất mạnh, không cần phải nhắm chính xác vào từng chúng sinh mới có thể biến cảm xúc đó trở thành hữu hiệu. Cách lý luận này cũng gần tương tự với sự công nhận bản chất toàn cầu của hiện tượng đổi thay. Chẳng hạn như khi đã tu tập và đạt được một cấp bậc hoàn hảo thì ta sẽ nhìn thấy mỗi vật thể và mỗi sự kiện đều vô thường, và khi đó ta sẽ không còn cần đến cách quán xét từng hiện tượng một trong số tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ rồi mới đủ sức công nhận nguyên lý của vô thường. Sự vận hành của tâm thức không giống như thế: chúng ta cần phải hiểu rõ điều này.
Thời gian và sự kiên nhẫn giúp ích rất nhiều, và sự phát huy lòng từ bi toàn cầu hoàn toàn nằm trong khả năng của ta. Chắc chắn là chủ trương chỉ biết có mình và sự bám víu vào cảm giác của một cái tôi duy nhất và tuyệt đối sẽ tác động ngấm ngầm để chặn đứng lòng từ bi. Thật hết sức rõ ràng là chỉ khi nào sự bám víu vào một cái tôi được tháo gỡ thì lúc ấy ta mới có thể sống với một tấm lòng từ bi đích thực. Tuy là như thế, nhưng ta vẫn có thể bắt đầu nuôi nấng và phát triển lòng từ bi ngay từ bây giờ.
Bắt đầu bằng cách nào?
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách loại bỏ những chướng ngại lớn lao đã cản trở lòng từ bi, đó là tính nóng giận và lòng hận thù. Như chúng ta từng thấy, những cảm xúc cực mạnh có thể làm cho tâm thức con người đảo điên. Tuy nhiên, hận thù và giận dữ vẫn có thể khắc phục được. Nếu không đủ sức không chế những cảm xúc đó, chúng ta có thể sẽ đầu độc sự hiện hữu của ta, và- dù không cố tình đi nữa- chúng cũng sẽ ngăn chặn không cho ta tận hưởng hạnh phúc do tình yêu thương mang đến.
Nhưng cũng biết đâu quý vị có thể không xem sự giận dữ là một chướng ngại; vì thế, điểm khởi đầu cần phải phân tích xem giận dữ có mang đến lợi ích hay chăng. Đôi khi một tình huống kho khăn nào đó khiến ta phẫn nộ, một cơn giận dữ hình như làm cho ta gia tăng thêm sinh lực, tự tin và quyết tâm. Tuy thế, chính trong những giây phút đó, ta cần phải quan sát thật cẩn thận trạng thái tâm thức của ta. Thật vậy, giận dữ sẽ làm gia tăng sinh lực, nhưng nếu ta quán xét bản chất của sinh lực đó, ta sẽ thấy rằng đấy là một thứ sinh lực mù quáng. Vì thế, ta không thể biết được một cách chính xác hậu quả của nó sẽ mang tính cách tích cực hay tiêu cực, bởi vì biến cố đó che lấp phần lý tri trong não bộ của ta. Vì lý do ấy, sinh lực của giận dữ gần như không bao giờ là một thứ sinh lực có thể tin cậy được. Nó có thể xúi giục ta cư xử một cách nguy hại và gây ra những đổ vỡ lớn lao. Khi giận dữ gia tăng và đạt đến mức độ tột đỉnh sẽ làm mất lý trí và thúc ta hành động gây thiệt hại cho kẻ khác và cho cả chính ta nữa.
May mắn thay, để xử lý những tình thế khó khăn, ta vẫn có thể phát huy một thứ sinh lực khác cũng mãnh liệt như giận dữ, nhưng ta vẫn giữ được sự chủ động. Chủ động được là nhờ vào lòng từ bi, lý trí và sự kiên nhẫn. Đấy là những liều thuốc hóa giải rất hữu hiệu chống lại sự giận dữ. Đáng buồn thay, người ta lại thường cho rằng lý trí và sự kiên nhẫn là dấu hiệu của sự hèn yếu. Tôi hoàn toàn hiểu ngược hẳn lại, đấy là những dấu hiệu của sức mạnh nội tâm đích thực. Từ bản chất, từ bi là điều thiện, rất dịu dàng và hiền hòa, nhưng đồng thời cũng rất cường lực. Từ bi tạo ra sức mạnh nội tâm và biến ta trở thành khoan dung hơn. Những người đánh mất kiên nhẫn sẽ hóa ra lo ấu và tính khí bất thường.
Vì thế mỗi khi phải đối diện với một tình huống khó khăn, ta hãy cố giữ thật khiêm tốn và gắng tìm ra một giải pháp thích nghi bằng một thái độ chân thật. Chắc chắn là kẻ khác cũng có thể tìm cách lợi dụng sự ngay thật của ta, và nếu như sự độ lượng của ta chỉ làm mồi cho sự hung hãn bùng lên thêm một cách vô ích, thì lúc đó mới nên tìm cách giữ vững vị thế của ta. Tuy nhiên, hành động cứng rắn đó phải được thực thi với lòng từ bi, và nếu cần phải bày tỏ quan điểm và chọn một biện pháp mạnh, thì cũng có thể làm nhưng ta không được phép nóng giận hay mang một chút ác ý nào.
Thật ra, phải hiểu rằng tuy kẻ thù của ta dường như muốn đổ lỗi cho ta là người làm điều sai trái, nhưng sau cùng chính họ lại sẽ gánh lấy tai hại do hậu quả phát sinh từ thái độ sai trái của họ. Nếu muốn khắc phục những phản ứng ích kỷ chống lại kẻ khác, phải luôn nhớ rằng ta đang cố gắng tu tập về lòng từ bi và đang tìm cách giúp đỡ kẻ khác tránh khỏi khổ đau do những hành vi của họ. Những biện pháp mà ta bình tĩnh chọn lựa nhất định sẽ đúng đắn, mạnh mẽ và hiệu quả. Nếu sự giận dữ lại đứng ra chỉ huy việc trừng phạt thì sẽ không mấy khi đưa đến thành công.
Bạn và thù
Tôi xin phép trở lại chủ đề đã đề cập trước đây là muốn phát huy lòng từ bi, lý trí và sự kiên nhẫn, không phải chỉ nghĩ đến giá trị của những phẩm tính là đủ mà phải đem những phẩm tính ấy ra để ứng dụng mỗi khi gặp khó khăn. Thế nhưng những ai đã tạo ra các khó khăn đó? Nhất định không phải là bạn hữu mà chính là kẻ thù của ta. Chính kẻ thù là những đối tác tạo ra phiền toái cho ta. Như vậy thì nếu thực tâm muốn học hỏi, ta phải xem kẻ thù của ta như những vị thầy tốt nhất! Đối với bất cứ ai muốn tìm cách vun xới lòng từ bi và tình thương thì sự kiên nhẫn là cách tập luyện thiết yếu nhất và kẻ thù là một yếu tối không thể thiếu sót được. Hơn thế nữa, ta còn phải biết ơn kẻ thù của ta bởi vì chính họ đã giúp ta tìm thấy sự an bình trong tâm thức, và chính họ đã tích cực hơn ai hết để giúp ta thực hiện điều ấy! Thật vậy, phải chăng ta vẫn thường nhận thấy qua đời sống cá nhân và trong tập thể xã hội đã có nhiều trường hợp kẻ thù trở thành bạn hữu.
Chắn chắn là ai mà lại chẳng muốn được bạn bè săn đón. Tuy nhiên tình bạn hữu có phải đã phát sinh từ sự chống đối và giận dữ, từ ganh tị và tranh đua quyết liệt hay không? Tôi hoàn toàn không tin như thế. Con đường đưa đến bằng hữu chính là tình thân ái! Chỉ có tình thân ái mới tạo được những người bạn trung tín và thành thật. Hãy thật sự chăm sóc cho kẻ khác, quan tâm đến sự an vui của kẻ khác, giúp đỡ họ, phục vụ họ, tạo thêm bạn bè, và hãy làm nở thêm những nụ cười. Những hành động đó sẽ đem đến lợi lộc gì cho ta? Chắc hẳn là ta sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ khi cần đến. Ngược lại, nếu ta không hề quan tâm đến hạnh phúc của kẻ khác thì trong lâu dài chính ta lại sẽ là người không tìm thấy hạnh phúc.
Trong một xã hội vật chất, tiền bạc và quyền thế dường như đem đến cho ta thật nhiều bạn hữu nhưng đó chỉ là bè bạn của tiền bạc và uy thế mà thôi. Khi ta sa sút và quyền lực không còn nữa, thì dù muốn dò tìm tông tích của họ cũng không phải là chuyện dễ.
Khi mọi việc trong cuộc sống của ta đều suôn sẻ, ta có cảm giác như có thể tự mình xoay sở mà không cần đến bè bạn. Nhưng khi địa vị xã hội và sự giàu sang sa sút thì lúc đó ta mới nhận ra rằng trước kia ta đã hiểu lầm. Để phòng ngừa cảnh huống đó và để tìm được những người bạn đích thực có thể giúp đỡ ta khi cần đến, ta phải biết trau dồi lòng từ bi!
Nêu lên điểm này thì biết đâu sẽ có người bật cười, nhưng tôi vẫn cứ nói lên rằng tôi vẫn muốn có thêm nhiều bạn hơn nữa. Tôi rất thích những nụ cười. Vì thế tôi tìm cách làm bạn với thật nhiều người, để đón nhận thật nhiều nụ cười, nhất là những nụ cười đích thực. Có đủ mọi thứ cười, có những nụ cười cay độc, giả tạo hay ngoại giao. Có những nụ cười thiếu hẳn sự thành thực; những nụ cười ấy thường gây ra ngờ vực, kể cả sự sợ hãi, có đúng thế hay chăng? Nhưng một nụ cười chân thật tỏa ra một cảm giác mát mẻ, và theo tôi một nụ cười như thế mới chính thực là nụ cười của con người. Nếu chúng ta muốn được nhìn thấy những nụ cười như thế, thì cũng nên hiểu rằng chính chúng ta là nguyên nhân tạo ra những nụ cười ấy.
Vậy thì ta phải làm bạn thế nào? Nhất định khồng phải bằng hận thù và chống đối. Không thể nào tạo ra những mối dây thân hữu khi đánh đập hay tuyên chiến với kẻ khác. Một tình bạn thực sự cần phải xây dựng trên sự lương thiện và lòng thành thật, nói một cách là bằng một tâm thức cởi mở và một tấm lòng ấm áp. Theo ý tôi, cách giao tiếp với kẻ khác trong cuộc sống thường nhật cũng đủ để chứng minh điều ấy.
Chiến thắng kẻ thù ẩn nấp trong ta
Nóng giận và thù hận là những kẻ thù thực sự. Chính đó mới thật là những kẻ thù mà ta cần phải chiến thắng và khắc phục mà không phải là những kẻ thù bất chợt do hoàn cảnh đưa đẩy. Khi nào tâm thức chư được luyện tập đầy đủ để khắc phục sức mạnh tiêu cực của giận dữ và hận thù thì những cảm xúc ấy vẫn còn tiếp tục khuấy động và hủy diệt mọi nỗ lực tìm kiếm sự an bình cho nội tâm.
Muốn loại trừ tiềm năng tàn phá của giận dữ và hận thù, ta cần hiểu rằng những cảm xúc đó bắt nguồn từ việc ta chỉ biết quan tâm đến lợi ích và an vui của cá nhân ta mà quên đi hạnh phúc của kẻ khác. Thái độ chỉ biết đến mình tiềm ẩn trong mỗi con người, và thái độ ấy chẳng những dung dưỡng sự giận dữ mà còn làm phát sinh mọi thể dạng tâm thức tệ hại khác nữa. Đấy là sự cảm nhận lừa phỉnh không cho phép ta nhìn thấy bản chất đích thực của mọi vật thể, và từ cách diễn đạt sai lầm này sẽ phát sinh ra mọi thứ khổ đau và bất toại nguyện mà ta phải gánh chịu. Vì thế, người tu tập từ bi và tình thương yêu phải chặn đứng những tác hại của kẻ thù nội tâm, không cho phép những kẻ thù ấy tự động đưa đến những hậu quả đổ vỡ không hàn gắn được.
Muốn lột trần quá trình tàn phá trên trên đây một cách minh bạch, ta phải học tập để hiểu thấu bản chất của tâm thức, bởi vì như tôi thường nói, tâm thức là một hiện tượng vô cùng phức tạp. Triết học Phật giáo nêu lên nhiều loại tâm thức hay là tri thức khác nhau và đồng thời cũng đưa ra các phương pháp thiền định nhằm giúp ta quen thuộc với tính cách biến động không ngừng của những thể dạng tâm thần.
Theo các khảo cứu khoa học, vật chất được cấu hợp từ những hạt cơ bản. Một số thành phần phân tử hóa học cũng như một số cấu trúc nguyên tử hàm chứa một giá trị thực tiễn nào đó thường các khảo cứu gia quan tâm nhiều hơn, trong khi những thành phần và cấu trúc nào không hàm chưa các đặc tính hữu ích thì không được chú ý đến, hoặc bị gạt qua một bên. Phân loại bằng cách chọn lọc như thế đã đưa đến những kết quả thật ngoạn mục.
Nếu người ta biết dồn thật nhiều nỗ lực như trên dây để nghiên cứu về tâm thức, về thế giới nhận biết và các hiện tượng tâm thần, thì nhất định người ta cũng sẽ khám phá ra vô số những dạng thể khác biệt nhau tùy theo cách nhận biết, đối tượng nhận biết và sức mạnh tâm thức sử dụng để nhận biết. Có một số thể dạng thâm thức rất hữu ích và tốt đẹp, ta nên xác định chúng một cách chính xác và phát huy tiềm năng của chúng. Hãy bắt chước phương pháp của các nhà khoa học, khi ta phân tích và thấy rằng một số thể dạng nào đó của tâm thức không mang tính cách tích cực, bởi vì chúng tạo ra khổ đau và chướng ngại, ta nên tìm cách loại trừ chúng ngay. Đấy là một trong những phương pháp quan trọng nhất: dù sao đi nữa, điều ấy cũng là mối ưu tư hàng đầu của người tu tập Phật giáo. Việc đó cũng tương tợ như mổ xẻ bộ não để thực hiện các thí nghiệm trê những tế bào tí teo, tìm hiểu xem tế bào nào làm phát sinh ra hân hoan, và tế bào nạo ra đau khổ. Cho đến khi nào những kẻ thù vừa kể trên đây còn ẩn nấp trong ta, thì ta vẫn còn gặp nguy cơ vấp phải những hiểm nguy to lớn.
Trước khi bước vào kỹ thuật tu tập tâm thức của Phật giáo, ta cần phải hiểu rõ và ước tính cẩn thận những khó khăn có thể gặp phải trong các cách luyện tập ấy. Kinh sách Phật giáo có nói đến tám mươi bốn ngàn loại tư duy độc hại, và đồng thời cũng có tám mươi bốn ngàn phương thuốc để hóa giải chúng. Do đó, xin chớ chờ đợi một giải pháp thần diệu hiện ra như một thứ phù phép giải thoát ta ra khỏi tất cả những sức mạnh tiêu cực. Ta phải thực hành thật nhiều phương pháp khác nhau trong một thời gian lâu dài mới có thể nhìn thấy được những kết quả cụ thể. Cần nhất là phải có sức mạnh của quyết tâm và thật nhiều kiên nhẫn. Trong những bước đầu trên con đường Đạo Pháp, xin quý vị chớ nên mong đợi đạt ngay được Giác Ngộ sau một tuần lễ tu tập. Điều đó quả thật không thực tế một chút nào cả.
Một vị thánh vĩ đại của Phật giáo là ngài Long Thọ đã viết nhiều trang luận giải trình bày sự cần thiết của đức tính kiên nhẫn trong quá trình tu tập tinh thần. Ông khẳng định rằng-nhờ vào sự tu tập và kỷ cương tâm thức, nhờ vào sự quán thấy sâu xa và những ứng dụng tinh thông- khi nào ta đã tạo được cho ta một thể dạng thăng bằng và tự tin, thiết lập bằng một phương pháp tu tập đích thức và rốt ráo, thì lúc đó thời gian cần thiết để đạt được Giác ngộ không còn là một điều quan trọng nữa. Tuy thế, khác với trường hợp của ngài Long Thọ, thời gian đối với chung ta vẫn còn là một yếu tố quan trọng. Khi nào ta vẫn còn phải gánh chịu những biến cố đau buồn không thể kham nổi, dù chỉ là tạm thời đi nữa, thì lúc đó ta vẫn không có đủ kiên nhẫn và phải tìm một lối thoát nào nhanh chóng nhất.
Bởi vì từ bi và tình thương yêu chỉ có thể trả với một giá rất đắt bằng những cố gắng thật ý thức và liên tục, cho nên ta cần phải xác định rõ ràng những điều kiện nào có thể giúp phát lộ những phẩm tính của lòng ta và những cảnh huống bất thuận lợi nào sẽ ngăn cản không cho phép ta vun xới những thể dạng tích cực. Muốn thực hiện mục tiêu đó, ta phải sống với một tâm thức bén nhậy và tĩnh giác. Ta phải tự chủ và cảnh giác để mỗi khi có một biến cố xảy ra, ta có thể ý thức được ngay đấy là một biến cố thuận lợi hay bất thuận lợi cho sự phát triển long từ bi và tình yêu thương. Tu tập được như thế, ta sẽ dần dần giới hạn ảnh hưởng của những sức mạnh tiêu cực và đồng thời làm gia tăng những điều kiện thích nghi để phát huy hai phẩm tính là từ bi và yêu thương.
Như tôi vừa trình bày trên đây, bất cứ khổ đau nào hay hạnh phúc nào cũng đều thuộc vào hai lãnh vực, hoặc là thân xác hoặc là tinh thần. Khi đau đớn phát sinh trên thân xác, một tâm thức tích cực có thể làm bớt đi sự đau đớn đó. Thực vậy, một tâm thức bình tĩnh có thể hóa giải được sự đau đớn. Chấp nhận và quyết tâm chịu đựng sự đau đớn cũng cho thấy những hiệu quả lớn lao. Ngược lại, đối với những trường hợp khổ đau có tính cách tinh thần, thì dù có cố gắng làm cho khỏe mạnh thêm trên phương diện thân xác thì cũng không vì thế mà có thể làm giảm bớt được khổ đau tinh thần. Nhất định ta có thể tìm cách làm quên bớt những khổ đau tinh thần bằng cách ru ngủ giác quan bằng những thích thú, nhưng tình trạng đó không kéo dài và khổ đau còn có thể trở nên trầm trọng hơn gấp bội. Vì thế ta cần phải luyện tập tinh thần thường xuyên nhưng không cần phải tu tập những gì liên quan đến cái chết hay con đường đưa đến Giác ngộ. Dù sao nếu những tầm nhìn thật xa không đủ sức thu hút ta, thì ta cũng nên chăm lo cho tâm thức, hơn là chỉ biết chú ý đến đồng tiền trong túi.
Thật rõ ràng là Phật giáo không phải chỉ giúp làm nhẹ bớt đớn đau mà còn nhắm vào sự giải thoát tất cả chúng sinh khỏi vòng đau khổ. Tuy nhiên nếu như việc chịu đựng đau đớn cho chính mình đã là việc khó, thì làm thế nào để đủ sức gánh chịu đau khổ cho tất cả chúng sinh? Trong tập sách Hướng dẫn sự sinh hoạt của một vị Bồ-tát, một vị thầy người Ấn thuộc thế kỷ thứ VIII là Tịch Thiên đã giải thích những khác biệt trên phương diện hiện tượng học giữa những đau đớn mà ta cảm nhận được khi nhận lãnh tất cả khổ đau của kẻ khác và những khổ đau trực tiếp của chính mình. Loại khổ đau thứ nhất hàm chứa tính cách bất an vì phải chia sẻ khổ đau của kẻ khác, nhưng đồng thời ta vẫn giữa được một thể dạng thăng bằng nào đó trong tâm thức bằng sự tự nguyện chấp nhận. Hành vi chủ ý chấp nhận khổ đau của kẻ khác hàm chứa một sức mạnh và sự tự tin, trong khi đó đối với loại khổ đau thứ hai, sự cảm nhận đớn đau và khó nhọc vượt ra ngoài ý muốn của ta. Vì lẽ những khổ đau thuộc loại ấy thoát ra khỏi sự kiểm soát của ta, cho nên ta sẽ cảm thấy yếu đuối và kinh hoàng.
Những lời giảng huấn của Phật giáo về lòng nhân ái và từ bi thường có thể được thâu gồm trong những câu châm ngôn như sau : “ Đừng nghĩ đến sự an vui của chính mình mà hãy đặt sự an vui của kẻ khác lên trên hết”. Những câu châm ngôn như thế có vẻ làm cho người nghe khó hiểu, nhưng thật ra phải đặt câu ấy vào đúng phối cảnh của chúng, tức là tình trạng ta đang phải tu tập để tự nguyện nhận chịu khổ sở và đớn đau cho kẻ khác.
Thực ra, ta cũng phải đủ sức để yêu mến chính mình trước khi chăm lo cho kẻ khác. Yêu thương chính mình không phải là một thứ xúc cảm giống như một món nợ cá nhân đối với chính mình. Nhưng thật ra yêu thương chính mình là một thứ xúc cảm dựa vào lòng ước mong tất cả chúng sinh sẽ đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Sau khi chấp nhận sự yêu mến chính mình, ta sẽ có thể trải rộng sự yêu mến đó đến tất cả chúng sinh có giác cảm. Vì thế khi thấy những lời giảng huấn khuyên ta không nên tìm kiếm an vui cho riêng mình, mà hãy dành ưu tiên cho kẻ khác, thì nên hiểu đấy là nguyên tắc quy định trong cách tu tập về lòng từ bi lý tưởng. Nhất là không nên chọn lấy sự vui sướng khi chỉ biết có ta, để đánh mất đi những gì tốt đẹp trong những hành vi hướng về kẻ khác.
Ta cũng nên tập đánh giá cao kẻ khác bằng cách nhìn thấy tầm quan trọng nơi tình thương yêu của họ đã giữ một vai trò quan trọng giúp ta tạo được hạnh phúc, hân hoan và góp phần đem đến sự thành đạt của ta. Điều ấy phải là mối quan tâm hàng đầu của ta. Tiếp theo đó, ta phải phân tích để thấy rằng tất cả khó khăn và khổ đau đều xuất phát từ thái độ ích kỷ, mặc kệ kẻ khác, chỉ cần biết đên sự an vui của riêng mình, và đồng thời cũng phải nhận thấy là tất cả niềm hân hoan và sự tự tin của ta đều xuất phát từ những tư duy và xúc cảm khi hướng về kẻ khác. Nếu đem ra so sánh hai thái độ trên đây- chỉ biết nghĩ đến ta, hoặc lo âu cho kẻ khác- thì ta sẽ nhận thấy hạnh phúc của kẻ khác quan hệ vô cùng.
Thái độ bình đẳng không phân biệt
Từ bi đích thực mang tính cách toàn diện và vô tư, vì thế trước hết chúng ta phải tu tập thế nào để giữa một thái độ công bằng như nhau và không phân biệt giữa tất cả chúng sinh. Theo quan niệm phật giáo, đối với một người nào đó chẳng hạn mà ta xem là bạn hay là một người thân thuộc trong gia đình, nhưng biết đâu trong kiếp trước họ đã từng là một kẻ thù tệ hại nhất của ta. Ta cũng có thể áp dụng lối suy luận trên đây đối với một kẻ thù: họ có thể làm điều sai trái và thiệt hại cho ta trong kiếp sống này, nhưng biết đâu trong những kiếp sống trước họ từng là một người bạn tốt nhất của ta, kể cả việc có thể họ đã từng là mẹ của ta. Khi biết suy nghĩ về tính bất định trong sự liên hệ giữa kẻ khác và ta và sự kiện mỗi chúng sinh đều hàm chứa khả năng tùy theo lúc có thể là một người bạn tốt hay là một kẻ thù, ta sẽ hiểu rằng cần phải cố gắng để phát huy trong trong tâm thức một thái độ không thiên vị hay “bình đẳng không phân biệt”.
Sự tu tập ấy đòi hỏi phải có một sự siêu thoát nào đó, và ta cũng cần phải tìm hiểu ý nghĩa thật sự của chữ ấy là gì. Đôi khi nghe đến từ “siêu thoát” trong Phật giáo, một số người lại hiểu lầm đấy là một truyền thống tôn thờ sự vô cảm. Hoàn toàn không phải như thế. Đi tìm “siêu thoát” tức là loại bỏ những xúc cảm dựa vào sự cân nhắc hời hợt về những khoảng cách xa hay gần phân chia giữa ta và kẻ khác. Thực hiện được như thế ta mới có thể phát huy lòng từ bi đích thực mang tính cách toàn diện. “Siêu thoát” không có nghĩa là “thờ ơ” với thế giới này và sự sống- ngược lại thì đúng hơn. Những kinh nghiệm sâu xa về sự siêu thoát sẽ tạo ra một mảnh đất thuận lợi để xây dựng lòng từ bi đích thực hướng về tất cả chúng sinh.
Comments[ 0 ]
Post a Comment