Hôm nay là ngày đầu tiên của khóa tu niệm Phật bảy ngày tại chùa Thiên Ân, tôi sẽ nói cho quý Phật tử về “trạng thái tâm và phương pháp niệm Phật”.
Ý nghĩa và mục đích của khóa tu Phật thất là ngoài việc chuyên tâm trì danh hiệu Phật A-di-đà liên tục trong bảy ngày, còn có ý sâu xa là mỗi hành giả phải ấn định thời gian thành tựu cho chính mình. Đó là mục tiêu và cũng là động cơ thúc đẩy quý vị khởi phát Bồ-đề tâm tu tập. Sau thời gian tu niệm bảy ngày, bản thân mỗi vị phải cảm nhận sự an lạc qua pháp môn mình đang hành trì tu tập, giúp cho mình thay đổi và tiến bộ từ nơi thân tâm của chính quý vị. Được như thế, quý vị mới thấy giáo pháp mầu nhiệm của đức Phật nói ra. Hôm nay, sau thời khóa tu tập, tôi thấy một số vị tiếp tục dụng công lễ Phật, bên cạnh đó có số vị ngồi chơi hoặc đi dạo nói chuyện với nhau. Nếu quý vị vào đây tu tập mà cứ tranh thủ nói chuyện như thế thì làm sao thành tựu được? Chúng ta trong đây, ai cũng biết khóa lễ tụng kinh buổi chiều có bài kệ của Bồ-tát Phổ Hiền cảnh tỉnh chúng ta: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm”, nghĩa là: “Một ngày đã qua, mạng sống giảm dần…”.
Nếu như vua Diêm Vương sai ngục tốt đến đòi mạng và nói: “Ông chỉ còn sống ba ngày thì tôi sẽ bắt về Diêm chúa” thì quý vị nghĩ sao? Ngày lại trôi qua, cái chết đến với chúng ta rất gần. Khi đại hạn vô thường đến thì quý vị lấy gì bảo đảm cho sự ra đi của mình? Quý vị tu tập mà không thấy điều này, thì công phu tu tập quý vị khó có tiến bộ và thành tựu kết quả được.
Tài sản vật chất quý vị có mang theo được không? Chắc không được! Vậy chúng ta mang theo gì đây? Chỉ mang nghiệp theo mình mà thôi (vạn ban đới bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân). Nếu nghiệp thiện thì quý vị sinh về cảnh giới lành, nghiệp ác thì sa vào Tam ác đạo chịu khổ trăm ngàn muôn số kiếp. Quý vị suy nghĩ và quán chiếu như vậy, thì mình dụng công tu tập rất hiệu quả, vì không có ai thương mình và lo cho mình bằng chính mình lo cho mình. Quý vị nên chú ý điều này.
1. Phương pháp niệm Phật
Hôm nay là ngày đầu tiên trong khóa tu bảy ngày. Trước tiên, tôi nói về “Tâm và phương pháp niệm Phật” để giúp cho quý vị tu tập đem lại những kết quả an lạc. Bước đầu tiên nên “quán pháp giới tánh, tất cả do tâm tạo”. Tức là chúng ta quán toàn bộ các cảnh vật sum la vạn tượng trong vũ trụ này đều do tâm thức biến hiện ra. Khi tâm thức biến hiện thì có phân biệt tốt xấu, được mất, hơn thua làm cho tâm chúng ta điên đảo thị phi, nhân ngã để rồi mãi trôi lăn trong ba cõi sáu đường. Nếu làm người thì thích sướng ghét khổ, làm chúng sinh ở địa ngục thì thích khổ ghét sướng. Làm loài ngạ quỷ thì thích sân hận, ghét từ bi. Làm loài súc sinh thì thích ngu si, ghét trí huệ. Làm người thì thích sướng ghét khổ, nhưng không biết làm sao để dứt hết khổ. Ở cõi trời cũng thế, cũng thích sướng ghét khổ mà không biết làm sao dứt khổ. Chỉ có cảnh giới chư Phật và Bồ-tát mới giúp chúng ta thoát ra khỏi những cảnh khổ vui đối đãi này. Cho nên, trong khóa tu niệm Phật này, quý vị phải “nhất môn thâm nhập”, chuyên sâu một pháp môn, dựa vào lòng chân thật, lòng thành khẩn, cung kính mà trì niệm danh hiệu Phật, chớ để thời gian trôi qua một cách uổng phí, dù chỉ một phút thôi. Quý vị nên biết một chút thời gian là một chút sinh mạng. Nếu không dụng công, mình sẽ gia tăng tội nghiệp. Chân thật dụng công thì tăng trưởng thiện căn. Vì vậy, tôi mong quý vị hãy thành tâm, thiết tha niệm Phật thì mới không phí thời giờ, mà đời quý vị thật là có giá trị.
Tiếp theo là niệm không ra tiếng, tức là niệm thầm. Mỗi câu niệm phải do tâm chủ đạo để cho miệng niệm, tâm là chủ, miệng là công cụ. Câu danh hiệu Phật phải đề khởi từ nơi tâm rồi thâu nhiếp về lại tâm. Nếu niệm Phật chỉ miệng niệm mà không tương ứng với tâm thì giống như máy cassette, khó có thể giúp chúng ta chuyển hóa những tập khí bất thiện nơi thân tâm của mình.
Niệm Phật nên tập trung tinh thần chuyên chú chánh niệm theo câu Phật hiệu A-di-đà, tâm đề khởi câu A-di-đà Phật, tai nghe rõ từng câu. Nếu chỉ miệng niệm mà tai chẳng nghe, thì hơi khí thoát ra ngoài, niệm lâu ngày sẽ dẫn đến tán khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm hại cho thân thể. Khi chúng ta niệm danh hiệu, phải từ nơi tâm chúng ta niệm ra, cũng từ nơi tâm mà thâu nhiếp danh hiệu vào. Niệm chẳng phải chỉ miệng niệm, nghe chẳng phải chỉ tai nghe. Nếu quý vị chỉ miệng niệm, dùng tai nghe thì hỏa từ nơi thận dương (thận trái) bốc lên đầu dẫn đến các hiện tượng: miệng đắng, lưỡi khô, choáng đầu thậm chí khi ngủ có những hiện tượng không an bình trong giấc ngủ. Quý vị thường nghe nói về “Tâm”, một danh từ nghe rất trừu tượng. Nói cho quý vị dễ hiểu, là khi quý vị dụng công tu tập, nó là “sức chú ý và tập trung”. Khi chúng ta niệm Phật, hơi (khí) phải hòa nhịp với câu Phật hiệu. Câu Phật hiệu từ nơi tâm đề khởi, khí thì đưa lên theo danh hiệu Phật và thâu nhiếp trở về nơi tâm của mình, thì khí sẽ giảm xuống. Như vậy sẽ tạo ra hai trạng thái là một thăng (khí đưa lên) và một giảm (khi tâm thâu nhiếp vào), tạo sự quân bình cho cơ thể dẫn đến khí huyết điều hòa. Khi khí huyết điều hòa mới giúp cho thân tâm an định. Khi thân tâm an định thì chúng ta dụng công tu tập mới tinh tấn lâu dài và có hiệu quả được.
Vừa rồi là tôi trình bày về phương pháp niệm Phật, trường hợp này thích hợp khi quý vị tu tập một mình. Còn nếu khi tu tập cùng đại chúng thì phải hòa nhập với mọi người và niệm theo sự nhịp nhàng âm điệu giữa tiếng chuông, mõ, nghe âm thanh rõ ràng mà niệm. Khi cùng đại chúng tu tập, mình phải chú ý âm điệu của đại chúng niệm mà mình niệm theo để hòa nhập với mọi người, không được làm theo kiểu bộ dạng đọc tụng những âm điệu kỳ quái, làm khuấy nhiễu sự chuyên tâm của đại chúng.
Người công phu niệm Phật thành tựu kết quả, chẳng cần phải niệm âm thanh lớn hay nhỏ, mà điều quan trọng là khi niệm, tâm phải nghe rõ ràng minh bạch. Nếu trong khi tu tập mà buồn ngủ thì chúng ta dùng hai tay xoa mắt và mặt cho nóng, mở mắt lớn ra, niệm lớn tiếng lên, tạo cho tinh thần phấn chấn và xóa tan cơn buồn ngủ. Khi cơn buồn ngủ qua đi, tinh thần trở lại tỉnh táo thì quý vị niệm từng tiếng cho rõ ràng. Chúng ta không nên niệm tốc độ nhanh quá hoặc chậm quá. Nhanh quá thì dẫn đến thần khí chẳng điều hòa, dễ đưa đến thân tâm không an định. Trái lại, niệm chậm quá thì dư nhiều khoảng trống, do vậy các vọng tưởng dễ đan xen vào khuấy nhiễu làm cho tâm tán loạn. Mỗi người khi công phu tu tập, nên khéo léo vận dụng tốc độ sao cho phù hợp với mình. Chỗ công phu niệm Phật có kết quả chẳng phải niệm nhiều hay ít. Nhiều người lầm rằng, một ngày mình cần phải niệm bao nhiêu câu Phật hiệu theo số đã định, càng nhiều càng có công đức và hiệu dụng. Do đó, họ niệm một cách gấp rút để đủ số mình đặt ra, vì bị kẹt vào số đếm, nên công phu lâu ngày mà không nhất tâm được. Đây là do sự tu niệm sai lầm, tuy nhìn bề ngoài thấy tu thì nhiều nhưng kết quả lại ít. Có người hỏi niệm Phật có cần dùng chuỗi hạt để lần niệm không? Vấn đề này có hai cách:
Thứ nhất, nếu như dùng xâu chuỗi để lần niệm mà bị kẹt vào số đếm thì như trước đã nói, sẽ khó đạt được kết quả. Bởi vì dùng xâu chuỗi chỉ là sự trợ giúp ban đầu mà thôi, giống như người leo núi, lúc đầu chưa quen phải nhờ gậy chống đỡ mới đi dễ dàng, đỡ mỏi và khỏi trượt chân.
Thứ hai, khi công phu tu niệm dần đến lúc thuần thục thì tâm ở trong chánh niệm. Khi ấy, không cần phải phụ thuộc vào xâu chuỗi. Bởi vì dùng xâu chuỗi là phương tiện trợ giúp cho chúng ta nhiếp tâm về câu A-di-đà Phật, như những lúc chúng ta đi kinh hành, đi nhiễu Phật hoặc đi xe, tàu, hoặc khi tán tâm thì chúng ta dùng nó. Nhưng khi chúng ta niệm Phật đến thuần thục, thì không cần phải dùng nó. Vì lúc đó dùng chuỗi hạt thì trở nên ràng buộc và chướng ngại.
Vừa rồi, tôi trình bày với quý vị về phương pháp trên là khi quý vị tu tập một mình. Còn khi vào tu tập cùng đại chúng thì tránh để những chuyện cá nhân xảy ra, cho người này là đúng, kẻ kia là sai, tránh làm khuấy nhiễu sự tu tập của đại chúng. Người biết dụng công tu tập, không phải những lúc mình lên điện Phật hoặc vào thời khóa đại chúng tu mình mới tu, mà bất cứ trong hoàn cảnh điều kiện nào, chúng ta vẫn hòa nhập và dụng công tu tập được. Lúc quý vị làm việc, đi kinh hành… hoặc trong mọi cử chỉ, động tác cũng như trong mọi lúc, mọi nơi, tức thì khế hợp với danh hiệu Phật. Đây là phương pháp tu niệm thành tựu rất nhanh chóng.
2. Niệm Phật và trạng thái tâm
Phần trước nói về phương pháp niệm Phật, tiếp theo nói về trạng thái tâm khi niệm Phật.
Theo chữ Hán, chữ niệm (念) trên là chữ kim (今), dưới là chữ tâm (心), tức là chỉ tu hành ngay trong thời điểm hiện tại. Tất cả pháp môn tu tập do đức Phật nói ra, pháp môn nào cũng đòi hỏi hành giả điều trước tiên phải tự mình phấn đấu vươn lên để chuyển hóa các phiền não ngay trong hiện tại nhằm đem lại sự an tịnh tâm hồn. Nghĩa là trong không khởi phân biệt phiền não, ngoài không dính mắc các cảnh duyên, trước sau hoàn toàn dứt sạch, không vướng bận, dính mắc các trần cảnh một tơ hào nào. Nếu quý vị có cơ hội vào tham dự khóa tu cùng đại chúng như thế này, đây thật là sự may mắn và duyên phước rất lớn đối với cá nhân mình. Khi tới đây tu tập thì quý vị phải buông bỏ vạn duyên xuống. Phát tâm dũng mãnh xưng niệm danh hiệu Phật, không nhìn thấy thân sơ, ân oán giữa người với ta, dứt bỏ những chuyện thị phi nhân ngã, những gì trong quá khứ, hiện tại chỉ chuyên tâm niệm Phật. Như thế, xong một khóa tu mới bảo chứng mình đạt kết quả được, vậy cần phải giữ ba nghiệp cho thanh tịnh. Tâm niệm, miệng niệm, tâm miệng (khẩu) tương ưng nhau, niệm niệm tương tục, không gián đoạn. Trong tâm chỉ có danh hiệu Phật, ngoài danh hiệu Phật ra, chẳng xen tạp các vọng niệm khác vào, gọi là ba nghiệp thanh tịnh. Khi tu tập, lại càng không nên mong cầu cảm ứng hoặc dính mắc vào bất cứ loại cảm thọ nào mà quên mất câu Phật hiệu. Tất cả cảnh giới đều thuộc về vọng tưởng, là ma cảnh. Chẳng dấy niệm mong cầu, phan duyên vào bất cứ các loại cảm thọ buồn vui nào. Khi niệm, nên giữ “tâm bình thường”, tức là nơi tâm không khởi lên những niệm mong cầu, trông đợi, tham đắm và luyến ái. Nếu như khi niệm Phật mà phát sinh ra những việc như vui vẻ, bi cảm, khóc lóc thì mình phải chánh niệm chuyển hóa nó. Người xưa nói:
“Ninh động thiên giang thủy
Mạc ưu đạo nhân tâm”.
Nghĩa là:
“Thà rằng khuấy nước ngàn sông,
Chớ không khuấy nhiễu cõi lòng đạo nhân”
Lúc các loại thất tình lục dục nổi lên, cần phải tỉnh giác tiết chế và chuyển hóa nó.
Tu tập lâu ngày, công phu từng bước tiến bộ, tâm lượng rộng ra, trí tuệ dần dần tăng trưởng sáng suốt, nhận định được các vấn đề. Có khi gặp các cảnh giới, nghe âm thanh lạ… thì biết đó là không thật, tất cả đều do sự biến hiện của tâm thức, tức khắc những hiện tượng đó đều tan như mây khói, đó cũng chỉ là cảnh mộng mà thôi.
Vậy có gì chúng ta phải dính mắc chấp trước vào các cảnh giới? Kinh Kim Cang nói:
“Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như điện chớp ,
Nên quán tưởng như thế”.
Chúng ta nên y theo lời Phật dạy trong kinh: “Vô sở cầu, vô sở đắc” làm phương châm cho sự tu tập của mình.
A-di-đà Phật!
Comments[ 0 ]
Post a Comment