Trong đời sống ẩm thực của người dân nông thôn, bánh ít trông thật “đời thường”, dung dị nhưng cũng rất tinh tế và hài hòa.Không biết tự bao đời ở xứ tôi nhà nào cũng gắn liền tập quán cũng như phong tục của địa phương với nghệ thuật
ẩm thực miền quê của vùng thôn quê bằng nhiều loại bánh cổ truyền như bánh chưng bánh tét, bánh tro, bánh cục, bánh ú, bánh ít …
Mỗi khi chuẩn bị chế biến, những loại bánh này đều được các phụ nữ nông thôn “chăm chút” từ tấm lá sợi lạt cho đến từng khâu nguyên liệu… như muốn thổi vào đó cái hồn của đất, cái tình của con người và đã trở thành nét đẹp văn hoá đặc trưng giản dị.
Bánh ít đang để nguội
Bánh ít còn hàm chứa cả giá trị tinh thần bởi nó mang tính phổ biến và tồn tại tất yếu trong đời sống dân gian từ rất lâu đời. Và còn là một loại quà quê để bày tỏ tình cảm của những người nông dân với nhau. Bởi con người nơi đây tuy thực thà chân quê nhưng ai cũng chan hòa tình làng nghĩa xóm, lại sẵn bản chất chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động và đặc biệt là chất keo kết dính giữa người thân cùng các thành viên trong mỗi gia đình.
Theo chiều dài lịch sử, với nền văn hoá văn minh lúa nước, bộ mặt ở những vùng đất nông thôn bây giờ cũng tiến bộ hơn trước. Những người dân quê khi lên thành phố cũng bớt bị “mặc cảm” đè nặng bởi cái từ “hai lúa”, thói quen và nhu cầu sinh hoạt của họ cũng thay đổi rất nhiều làm cho nét đẹp thôn dã luôn thích nghi với xã hội hiện đại và phù hợp với hoàn cảnh sống của vùng nông thôn.
Người phụ nữ nông thôn ngày nay cũng đã biết cách chế biến nhiều món ăn và các loại bánh ngon, lạ, đặc biệt vào mỗi dịp lễ, tết, Rằm Trung thu tháng Tám. Nhưng vào những ngày húy kỵ, giỗ chạp, … người dân quê Việt Nam vẫn giữ nguyên và không thể thiếu các loại bánh cổ truyền, nhất là món bánh ít. Tất cả các loại bánh ít đều được làm thủ công và gói bằng lá chuối xanh.
Làm bánh ít không khó, nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Cách làm bánh ít thoạt xem đơn giản, nhưng mất khá nhiều thời gian cùng sự tham gia của nhiều người và cũng khá cầu kỳ bởi cả khâu làm bột lẫn cả khâu làm nhân. Sẵn có chuối xứ trong vườn, hễ nhà chuẩn bị có “việc” là trước đó một ngày mẹ giao cho chị em tôi khâu rọc lá, trụng qua nước sôi hay phơi nắng sau đó dùng khăn lau thật sạch. Để làm được chiếc bánh ít, người ta phải trải qua nhiều công đoạn khéo léo.
Đầu tiên mẹ dùng gạo nếp thơm vuốt cho sạch với nước giếng trong. Ngâm khoảng 3,4 tiếng, vớt gạo ra rá để cho ráo nước, rồi dùng cối đá xay gạo nếp thành bột mịn, sau đó cho vào chiếc túi vải dằn hơi nặng cho bột nhỏ nước, để được một khối bột dẻo, rồi đổ ra thau cho tí muối và tí đường vào nhồi đều. Nhân thì tùy theo sở thích mà có thể dùng đậu xanh, dừa, thịt, hay tôm… Đậu xanh đãi vỏ hấp chín giã nhuyễn trộn chung với đường hoặc muối (tùy khẩu vị) rồi viên lại thành những viên tròn đều nhau. Dừa nạo sợi nhỏ rồi thêm đường để làm nhân cho bánh ít dừa. Thịt hay tôm xắt nhỏ xào chung với hành phi nêm gia vị mặn cho vừa ăn làm bánh ít trần, cứ mỗi thứ một ít nên mới được gọi là “bánh ít”.
Bánh ít nhân dừa với đường
Khi xong phần nhân, mẹ mới bắt đầu nhào bột, nhào cho đến khi bột hết dính tay… ngắt từng miếng bột vừa phải, nắm tròn vừa lòng bàn tay, đập dẹp ra và bỏ nhân vào giữa sau đó vo tròn trong lòng bàn tay. Dùng lá chuối xứ đã quét qua một lớp mỏng dầu đậu phộng để gói bánh, bột nếp khi nấu chín rất dẻo nhờ có lớp dầu đó mà bánh không bị dính vào lá. Bánh gói xong xếp bánh vào rổ rá thưa cho vào xoong to hấp cách thuỷ, bánh được hấp chín, khi bóc ra, mùi thơm của lá chuối, mùi bột nếp xen lẫn mùi nhân của lắm thứ thơm ngào ngạt... sờ tay vào chiếc bánh nóng mềm “nún nín” chỉ muốn bóc liền ăn ngay.
Có nơi, người ta hấp bánh trần, khi bánh chín sau đó mới gói để giữ màu xanh của lá chuối. Ngoài bánh ít bột nếp màu trắng, thỉnh thoảng mẹ lại làm bánh ít lá gai màu đen nhân đậu xanh. Cũng có loại làm bằng bột khoai mì, bột củ dong... Bánh ít để càng nguội, ăn càng ngon. Cắn một miếng bánh, độ mềm mại, dẻo dai của bánh cộng với nhân bánh thấm tháp, vị ngon cứ đọng nơi đầu lưỡi... Cả nhà tôi ai cũng “nghiện” cái món bánh quê mùa, nhưng ngon đậm đà khó quên này... Có lẽ vì vậy mà mẹ và nội cứ làm món bánh này cho cả nhà thưởng thức thường xuyên.
Bánh ít là loại bánh ngon không thể thiếu được trong ngày giỗ, ngày chạp, cúng ngày Rằm, nên người ta thường hay làm trước để cúng ông bà, cha mẹ. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món tráng miệng và gởi biếu người thân về làm quà cho những người cao tuổi và cháu bé trong gia đình họ. Đây cũng là nét riêng trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử sản vật "đối nội, đối ngoại", làm quà biếu người thân, bạn bè nơi phương xa mang theo, như để thể hiện tấm lòng thơm thảo quý mến của gia chủ… “Bánh ít... nhưng tình nhiều”.
Comments[ 0 ]
Post a Comment