Tôi tin rằng trong bất cứ một bình diện xã hội nào- gia đình, quốc gia hay quốc tế-, chìa khóa của một thế giới hạnh phúc và hài hòa đều liên hệ đến việc thực thi lòng từ bi. Ta không cần phải gia nhập một tôn giáo nào, cũng không cần phải tôn thờ một hệ tư tưởng đặc biệt nào cả, mà chỉ cần mỗi cá nhân trong chúng ta biết phát huy những phẩm tính con người. Theo quan điểm của tôi, việc trau dồi hạnh phúc cá nhân có thể đóng góp sâu xa và hữu hiệu để cải biến chung cho cả tập thể nhân loại.Tất cả chúng ta đều cần đến tình thương, và nhận thức được điều ấy sẽ giúp ta thấy rằng bất cứ người nào ta gặp và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều là anh chị em với ta. Dù cho đó chỉ là một người mà ta mới gặp lần đầu tiên cũng thế, ngoài lớp quần áo trên người và tính tình của họ ra, thì thực sự chẳng có gì khác biệt giữa họ và ta cả. Chính vì thế mà quả thật hết sức phi lý khi ta chỉ dừng lại ở những khác biệt bên ngoài, trong lúc bản thể bên trong của mỗi con người chúng ta đều như nhau.
Những lợi điểm khi biết vượt lên trên sự phân biệt nông cạn đó lại càng nổi bật hơn khi ta biết nhìn vào vị trí của mình trong một bối cảnh bao quát hơn của hành tinh này. Nhân loại chỉ có một, và cái hành tinh nhỏ bé này cũng là nơi trú ngụ duy nhất của cả nhân loại. Để có thể bảo vệ môi trường chung, mỗi người trong chúng ta cần phải cảm thấy sức mạnh của tình yêu thương hướng đến kẻ khác và lòng từ bi toàn cầu. Chỉ có sức mạnh của tình yêu thương và lòng từ bi ấy mới có thể xóa bỏ được những quyền lợi riêng tư đã khích động con người đến chỗ lường gạt và khai thác lẫn nhau. Một quả tim mở rộng và thành thật đương nhiên là sẽ giúp cho ta tự tin vào những khả năng của mình, và ta sẽ không còn e ngại kẻ khác nữa.
Sự cần thiết phải có một không khí cởi mở và hợp tác trên bình diện quốc tế ngày càng khẩn cấp. Vào thời đại của chúng ta, vấn đề kinh tế không còn giới hạn trong lĩnh vực gia đình và cả trên bình diện quốc gia nữa. Từng thành phần quốc gia cho đến toàn thể một lục địa đều lệ thuộc chặt chẽ với nhau. Vì thế nếu muốn phát triển nền kinh tế của mình thì chính mỗi quốc gia cần phải quan tâm đến nền kinh tế của các nước khác. Dù sao đi nữa thì khi chung cuộc, những thành quả kinh tế của các nước khác cũng sẽ gây tác động đến chính quốc gia mình. Để có thể đối đầu với những biến chuyển mới có thể phát sinh trong thế giới tân tiến ngày nay, bắt buộc chúng ta phải chấp nhận một sự biến cải từ cội rễ trong cách suy nghĩ và những phản ứng quen thuộc của ta. Càng ngày ta càng thấy rõ một điều là một nền kinh tế muốn tồn tại phải dựa vào trách nhiệm toàn cầu, đúng với ý nghĩa trung thực của nó. Có lẽ chúng ta đều đồng ý với nhau về những điều trên đây, có đúng thế hay chăng? Đấy không phải đơn thuần là một lý tưởng tôn giáo mang tính cách thiêng liêng hay đạo đức, nhưng đó một thực trạng hiện đại về sự hiện hữu của nhân loại.
Khi biết suy nghĩ sâu xa ta sẽ nhận thấy bất cứ nơi nào trên thế giới này cũng đều cần đến thật nhiều từ bi và lòng nhân ái. Điều ấy lại càng nổi bật hơn nữa khi nhìn vào tình trạng kinh tế và an sinh trên toàn thế giới, hoặc nhìn vào sự tương quan về các biến cố chính trị và quân sự hiện nay. Ngoài vô số khủng hoảng về mặt xã hội và chính trị, thế giới này lại còn phải gánh chịu những chu kỳ thiên tai ngày càng nặng nề. Chúng ta đều chứng kiến trên hành tinh này mỗi năm xảy ra càng nhiều những xáo trộn trầm trọng về khí hậu, kéo theo những hậu quả nặng nề về môi sinh: mưa lũ gây ngập lụt trong một số quốc gia; trong khi các quốc gia khác thì lại thiếu mưa, gây ra hạn hán và hủy hoại mùa màng. Nhưng cũng may mắn là ngày nay tại khắp nơi trên thế giới người ta đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của môi sinh. Ta phải hiểu rằng việc bảo vệ môi sinh có liên hệ trực tiếp đến sự sống còn của nhân loại. Với tư cách con người, chúng ta phải tập kính trọng tất cả những thành phần trong gia đình nhân loại, từ người láng giềng cho đến bạn bè,…Từ bi, thương yêu, vị tha và tình thân hữu không những chỉ là chìa khóa giúp cho sự nảy nở của con người, mà còn góp phần để bảo vệ sự tồn vong của hành tinh này.
Sự thành công hay thất bại của nhân loại trong tương lai tùy thuộc trước hết vào ý chí và quyết tâm của thế hệ hôm nay. Nếu chúng ta không biết xử dụng ý chí và trí thông minh của chính mình, thì chẳng còn ai khác để đứng ra đảm bảo tương lai cho thế hệ về sau. Đó là một sự thật không thể tránh được. Chúng ta không thể nào đổ hết lỗi lầm lên những chính trị gia hay những người trực tiếp chịu trách nhiệm về các biến cố xảy ra; chúng ta phải nhận lãnh một phần trách nhiệm cá nhân. Chỉ khi nào mỗi người đều biết ý thức bổn phận của cá nhân mình thì lúc ấy hành động mới có thể xảy ra được. Lên tiếng và phản đối không đủ. Thay đổi thực sự phải xuất phát từ bên trong, từ mỗi cá nhân, rồi sau đó từng cá nhân sẽ cố gắng góp phần vào sự an vui của cả nhân loại. Lòng nhân ái không phải chỉ là lý tưởng tôn giáo mà đó là nhu cầu không thể thiếu sót của toàn thể nhân loại.
Lịch sử đã chứng minh cho thấy sức mạnh của con tim có thể góp phần thiết kế những công trình dân luật bảo vệ con người, thực hiện những hoạt động xã hội, giải thoát con người trên phương diện chính trị lẫn tôn giáo. Nghĩa cử và nguyện vọng chân thành không phải là vốn liếng riêng của tôn giáo: những thứ ấy đều nằm trong tầm tay của tất cả mọi người, đó là sự chăm lo cho kẻ khác, cho những người chung quanh, cho kẻ nghèo khó và thiếu thốn. Tóm lại, những phẩm tính ấy xuất phát từ sự âu lo và mối quan tâm sâu đậm về sự an vui của kẻ khác. Nhiều công trình thúc đẩy bởi lòng nhân ái như vừa kể đã đi vào lịch sử như những công trình hữu ích góp phần tích cực trong việc phục vụ nhân loại. Ngày hôm nay, khi nghĩ đến những công trình lịch sử ấy, ta sẽ cảm thấy trong lòng tràn ngập hân hoan và hạnh phúc, dù cho chúng đã thuộc vào quá khứ và chỉ còn lưu lại những kỷ niệm mà thôi. Khi nhớ đến một người nào đó đã từng thực hiện một nghĩa cử cao cả, ta cảm thấy kính mến họ vô cùng. Tuy nhiên, cũng đừng quên là ngay trong thế hệ của chúng ta, vẫn có những tấm gương đáng cho ta ngưỡng mộ.
Dĩ nhiên là lịch sử cũng đầy rẫy những kẻ đã phạm vào những hành vi hung bạo tệ hại nhất như chém giết và tra tấn đồng loại, tạo ra cảnh đày đọa và những nỗi thống khổ không kể xiết cho vô số con người. Những thảm trạng đó phản ánh những khía cạnh tối tăm của gia tài nhân loại. Chúng chỉ có thể bộc phát từ hận thù, hung dữ, ganh ghét và sự tàn nhẫn thúc đẩy bởi lợi lộc. Thực ra thì lịch sử thế giới là tượng trưng cho trí nhớ tập thể, ghi chép lại những hậu quả phát sinh từ những chủ tâm mang tính cách tiêu cực hay tích cực của con người. Tôi nghĩ rằng những điều trình bày trên đây đã đủ minh bạch. Khi nhìn vào lịch sử, ta sẽ nhận ra rằng nếu muốn đem đến một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc hơn, ta phải quan sát chính tâm thức ta ngay trong lúc này và tự hỏi xem thể dạng tâm thức như thế sẽ đem đến cho ta một cuộc sống ra sao trong tương lai. Chúng ta không nên khinh thường tác động ngấm ngầm của những thái độ tiêu cực.
Từ bi là giải pháp hóa giải xung độtVới tiến trình toàn cầu hóa thì sự hợp tác trở nên thật hệ trọng, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Phong trào thống nhất Châu Âu đã giới hạn ảnh hưởng của quan niệm cho rằng những dị biệt giữa các quốc gia là những gì không thể giải quyết được. Tôi cho điều ấy là hết sức tuyệt vời và đúng lúc. Tuy nhiên, sự hợp tác chặt chẽ như vừa kể giữa các quốc gia không phải do lòng từ bi hay đức tin tôn giáo áp đặt, mà chỉ đơn giản xuất phát từ nhu cầu. Xu hướng nghiêng về một thứ lương tâm tập thể ngày càng phát hiện rõ rệt hơn trong thế giới ngày nay, và dưới áp lực của các biến cố xảy ra, sự tương quan chặt chẽ kéo mọi người đến gần với nhau đã trở thành một yếu tố không thể thiếu sót cho sự tồn vong của tất cả chúng ta. Khái niệm về trách nhiệm toàn cầu dựa trên lòng từ bi và tình huynh đệ cũng vậy, có phải đấy là những gì hết sức khẩn thiết hay chăng? Thế giới này là một sân khấu phơi bày những xung đột mang tính cách ý thức hệ, tôn giáo và cả trong lĩnh vực gia đình. Xung đột dựa vào sự kiện người này thích điều này nhưng người bên cạnh lại thích thứ kia. Tuy nhiên, nếu thử tìm kiếm nguyên nhân sinh ra vô số những xung đột thì ta cũng sẽ thấy có vô số nguyên nhân, và hầu hết những nguyên nhân ấy lại nằm ở nội tâm của mỗi con người chúng ta.
Nếu muốn tìm hiểu nguồn gốc của những nguyên nhân gây ra xung đột thì trước hết chúng ta hãy nên xét đoán khả năng hợp tác của ta để đem đến sự hài hòa. Tất cả mọi nguyên nhân đều tương đối. Nếu có vô số mầm mống gây ra xung đột, thì cũng có vô số mầm mống giúp cho sự hợp tác và hài hòa. Đã đến lúc mà chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến sự hợp nhất. Về điểm này, cần phải kêu gọi đến tình thương yêu giữa con người vì sự phân tích kiên nhẫn dựa vào lòng từ bi.
Các quan điểm thuộc về ý thức hệ hoặc về tôn giáo của ta có thể không giống với kẻ khác. Nhưng nếu ta biết kính trọng quyền của kẻ khác và biết bày tỏ lòng từ bi của ta đối với họ một cách chân thật, thì những quan điềm giữa và họ dù không giống nhau nhưng cũng chẳng hề gì. Đấy chỉ là những điều thứ yếu. Nếu như họ tự tin vào quan điểm của chính họ và rút tỉa được lợi ích, thì đấy là hoàn toàn trong quyền hạn của họ. Ta phải biết kính trọng và chấp nhận trường hợp có thể có những quan điểm không giống nhau trong cuộc sống. Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy, những kẻ cạnh tranh với ta cũng cần tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường vì họ cũng như ta, tất cả đều muốn sống còn. Khi biết dựa vào lòng từ bi, tầm nhìn của ta cũng theo đó mà mở rộng, tôi nghĩ rằng sự sống nối chung cũng vì thế mà trở nên dễ dàng hơn. Như vậy, trong trường hợp này thì chiếc chìa khóa vẫn là lòng từ bi.
Giải trừ vũ khíTrên một quan điểm nào đó, tình trạng toàn cầu có phần nào cải thiện. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Xô Viết và Hoa Kỳ đã chấm dứt. Giờ đây, thay vì đi tìm những kẻ thù mới, tốt hơn hết là chúng ta nên nghĩ đến việc giải trừ chiến tranh trên hành tinh này, hay ít ra cũng nên suy tư về một ý niệm nào đó trong việc giải trừ vũ khí, và ngồi lại với nhau để thương thảo một cách nghiêm túc. Tôi vẫn luôn nhắc nhở những người bạn Mỹ của tôi rằng: “Sức mạnh của các bạn không phải là do các thứ vũ khí hạt nhân, mà phải xuất phát từ tư tưởng vĩ đại của tổ tiên các bạn trong lĩnh vực tự do và dân chủ.”
Trong dịp đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1991, tôi có gặp cựu tổng thống George Bush. Lần ấy, chúng tôi có bàn thảo với nhau rất nhiều về trật tự thế giới, và tôi có nói với ông ta như sau: “Một trật tự mới trên thế giới thấm đượm lòng từ bi sẽ là một trật tự tuyệt vời. Nhưng trái lại, tôi không thể hình dung được bất cứ một thứ lợi ích gì trong một trật tự mới cho thế giới này khi mà lòng từ bi không có.”
Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải giải trừ vũ khí và phải nêu lên sự việc này. Sự đổ vỡ của cựu Liên bang Xô Viết đã mở ra một con đường đưa đến việc giải trừ vũ khí và lần đầu tiên đã cho thấy các khí giới hạt nhân được ngưng sản xuất. Theo tôi, mục đích của chúng ta là giải phóng cho thế giới này- tức là hành tinh nhỏ bé của chúng ta- tránh khỏi bàn tay chi phối của vũ khí. Điều đó không có nghĩa là loại trừ tất cả vũ khí. Chỉ cần giữ lại một số tối thiểu, vì trong chúng ta lúc nào cũng có những nhóm người mang ý đồ tăm tối. Nếu muốn cẩn thận và để tránh rủi ro thì chúng ta có thể thành lập một đạo quân cảnh sát quốc tế với sự chỉ huy địa phương, dù cho đạo quân ấy không bắt buộc trực thuộc vào một chính quyền nào cả, nhưng phải đặt dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc, hoặc bất cứ một tổ chức quốc tế nào khác. Làm được như vậy thì sẽ không còn một nước nào có vũ khí trong tay, những xung đột vũ trang giữa các quốc gia có thể tránh được, và cũng sẽ không còn nội chiến.
Buồn thay, chiến tranh vẫn còn chiếm giữ một vị thế lớn lao trong lịch sử con người. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải thay đổi quan niệm về sự can thiệp. Đối với một số người, chiến tranh có nghĩa là vinh quang và cũng là một phương cách để tạo ra các vị anh hùng. Quan niệm chiến tranh như thế là một sự lệch lạc. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn, một nhà báo có nêu lên với tôi như sau :” Những người Tây phương rất sợ chết; hình như người Á châu ít e sợ hơn nhiều”.
Tôi đã trả lời, nửa thật nửa đùa như sau : Tôi nhận thấy người Tây phương đặt một tầm quan trọng quá lớn vào chiến tranh và sức mạnh quân sự. Nhưng một khi đã đề cập đến chiến tranh tức là phải nói đến cái chết- không phải những cái chết tự nhiên, mà là những cái chết bằng khí giới. Theo tôi, những người Tây phương thích chiến tranh đến độ chính họ trở thành những người không sợ chết. Đối với người Á châu nói chung, và những người Tây Tạng nói riêng, thì ý nghĩ về bổn phận phải đánh nhau là một thứ gì không thể chấp nhận được; chúng tôi không thể nào hình dung nổi chiến tranh, bởi vì chiến tranh chắc chắn sẽ mang lại thảm họa, chết chóc, những vết thương đau đớn và những cảnh cơ hàn. Trong tâm thức của chúng tôi, ý niệm về chiến tranh mang tính cách vô cùng tiêu cực. Điều đó chứng minh cho thấy chúng tôi đây mới là những người sợ chết hơn quý vị nhiều.
Tiếc thay, vì một số lý do nào đó, nhiều người vẫn duy trì những ý nghĩ sai lầm về vấn đề chiến tranh. Những ý niệm đó tượng trưng cho một mối nguy hiểm ngày càng trở nên trầm trọng hơn cho cả cộng đồng thế giới, vì thế chúng ta cần phải nghĩ đến việc giải trừ khí giới một cách nghiêm túc. Tôi cảm nhận được điều ấy trong lúc đang xảy ra chiến tranh vùng Vịnh và cả thời gian sau đó. Nhất định không có ai lại không bất mãn với Saddam Hussein vì ông ta đã phạm vào quá nhiều sai lầm và hành động một cách hết sức là tai hại. Quả đúng như thế, nhưng khi đã biết Saddam Hussein là một con người độc tài, thì cũng sẽ hiểu rằng một con người độc tài đương nhiên là một kẻ gây ra tai hại. Tuy nhiên, nếu không có sức mạnh quân sự và không có khí giới thì làm thế nào mà ông ta có thể đóng vai trò của một kẻ độc tài. Ai giúp khí giới cho ông ta? Chính là một số quốc gia Tây phương, các quốc gia ấy không hề quan tâm đến hậu quả sẽ xảy ra. Những con buôn khí giới cũng phải nhận lãnh một phần trách nhiệm trong đó.
Chỉ biết đến tiền bạc và lợi lộc do việc buôn bán khí giới quả thật là những ý nghĩ vô cùng khủng khiếp. Tôi có gặp một phụ nữ người Pháp đã từng sống nhiều năm ở Beyrouth. Bà hết sức đau buồn kể rằng bà đã tận mắt thấy nhiều người trong túi nhét đầy khí giới đứng bán trong một khu phố, và đồng thời mỗi ngày lại có những kẻ vô tội bị thảm sát trong một khu phố khác bằng những thứ vũ khí ấy. Song song với thảm trạng đó, phía bên kia địa cầu, một số người tận hưởng một cách phè phỡn trên số lợi nhuận do việc buôn bán vũ khí mang lại, trong lúc những kẻ vô tội phải chịu chết bằng những vũ khí tối tân ở những nơi khác. Vì vậy, biện pháp trước tiên phải đem ra thực hiện là chấm dứt việc buôn bán vũ khí. Thỉnh thoảng tôi vẫn chế nhạo bạn hữu Thụy Điển của tôi như sau :” Các bạn là một dân tộc tuyệt vời! Trong cuộc chiến tranh thế giới vừa qua, các bạn giữ thế trung lập và các bạn luôn luôn chủ trương nhân quyền và hòa bình trên thế giới. Thật hết sức cao đẹp! Nhưng này hãy cẩn thận đấy, các bạn vẫn cứ tiếp tục bán khí giới cho kẻ khác. Các bạn không thấy điều ấy có vẻ hơi đạo đức giả một tí hay sao?”.
Trong khi xảy ra chiến tranh vùng Vịnh, tôi đã tự hứa rằng tôi sẽ góp sức để phổ biến những ý niệm về sự giải trừ vũ khí cho đến tận ngày cuối của cuộc đời tôi. Tôi quyết định trong tương lai, quê hương Tây Tạng của tôi sẽ là một vùng hoàn toàn phi quân sự. Và để chuẩn bị cho một vùng phi quân sự, yếu tố chính yếu nhất vẫn là lòng từ bi của con người.
Comments[ 0 ]
Post a Comment